Bạn đang ở đây

Khuyến công Phú Yên: Tập trung vốn cho các đề án điểm

31/07/2018 15:29:16

Chuyển đổi phương thức

Cũng như phần lớn các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên khác, Phú Yên có ngành công nghiệp nông thôn (CNNT) chậm phát triển, nhu cầu hỗ trợ lớn nhưng nguồn kinh phí hạn hẹp. Để giải quyết khó khăn trước mắt cho các cơ sở CNNT, Phú Yên đã chọn phương thức hỗ trợ dàn trải, quy mô nhỏ và dàn đều cho khắp các nội dung mà không tập trung sâu cho một lĩnh vực, ngành nghề nào.

Kết quả, sau nhiều năm triển khai, công tác khuyến công đã không đạt hiệu quả như mong muốn. CNNT của tỉnh vẫn chưa được cải thiện, sản xuất manh mún, năng lực cạnh tranh thấp.

Rút kinh nghiệm từ bài học trên, ngành Công Thương Phú Yên đã thay đổi phương thức triển khai công tác khuyến công. Thay vì đầu tư dàn trải, nhỏ lẻ, Phú Yên đã chuyển hướng tập trung thực hiện các nội dung về nâng cao năng suất, chất lượng, gia tăng giá trị và hàm lượng khoa học, công nghệ cho sản phẩm CNNT của tỉnh.

Đặc biệt, tỉnh luôn ưu tiên nguồn vốn thực hiện nội dung hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất sản phẩm CNNT… qua đó, thu hút sự tham gia của nhiều cơ sở, tạo sự lan toả, khuyến khích các cơ sở khác mạnh dạn đầu tư đổi mới thiết bị, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Cần hỗ trợ nhiều hơn

Mặc dù, khuyến công Phú Yên đã có sự chuyển đổi tích cực về chất, tuy nhiên theo đại diện Sở Công Thương Phú Yên, để phát huy bền vững hoạt động này còn vướng nhiều rào cản, nhất là với nội dung đổi mới và ứng dụng công nghệ sản xuất (nội dung trọng điểm của khuyến công Phú Yên thời gian qua). Do đó, trình độ công nghệ thiết bị được đổi mới còn ở mức hạn chế; ít các đề án thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp.

Để khắc phục những rào cản, duy trì sức đóng góp của công tác khuyến công trong phát triển CNNT, Sở Công Thương Phú Yên đã định hướng nhiều giải pháp. Cụ thể, tỉnh sẽ đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho công tác đầu tư, tư vấn về thiết bị công nghệ; khảo sát nhu cầu tại các cơ sở CNNT, ưu tiên những cơ sở sản xuất thuộc lĩnh vực có sẵn nguồn nguyên liệu trên địa bàn tỉnh và có thị trường tiêu thụ; mời các chuyên gia tư vấn và giới thiệu quy trình, kỹ thuật công nghệ trong từng lĩnh vực cụ thể.

Kết hợp nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia khác với khuyến công nhằm gia tăng thêm nguồn lực cho triển khai các đề án; rà soát, sửa đổi các văn bản, chính sách đã ban hành nhưng không còn phù hợp để đẩy chính sách khuyến công sát gần hơn nữa với thực tế; nhân rộng các mô hình có hiệu quả nhằm tạo điển hình và thu hút các cơ sở khác trong cùng lĩnh vực tham gia và thụ hưởng chính sách khuyến công.

Đại diện Sở Công Thương Phú Yên cũng cho rằng, để thực hiện hiệu quả những giải pháp trên rất cần sự hỗ trợ của Bộ Công Thương trong việc gia tăng nguồn kinh phí hỗ trợ; hướng dẫn địa phương trong xây dựng và triển khai các đề án điểm, có tính dài hơi; định hướng chính sách hỗ trợ phù hợp với thực tế địa phương…

Tổng kinh phí thực hiện công tác khuyến công của tỉnh Phú Yên giai đoạn 2014-2018 là 11,36 tỷ đồng, trong đó, nguồn kinh phí triển khai nội dung xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất chiếm 33,3% tổng kinh phí, bình quân mỗi năm đạt 755 triệu đồng.

Nguồn: Báo Công thương