Kinh tế khởi sắc trên nhiều lĩnh vực
Báo cáo Thủ tướng tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh Lâm Đồng trong 6 tháng đầu năm 2018, ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng- cho biết, 6 tháng qua kinh tế -xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển ổn định, đạt kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực, hầu hết các chỉ tiêu về kinh tế- xã hội đều đạt khá so với kế hoạch và tăng khá so với cùng kỳ. GRDP tăng 8,85%. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng ổn định, chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng qua tăng 7,87% so với cùng kỳ. Các ngành dịch vụ như thương mại, xuất khẩu, vận tải, bưu chính viễn thông... đều tăng khá so với cùng kỳ.
Đặc biệt, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiếp tục phát triển mạnh. Hiện tại Lâm Đồng có hơn 49 ngàn ha diện tích đất canh tác sản xuất ứng dụng công nghệ cao, chiếm 17,7% diện tích đất canh tác. Toàn tỉnh có 17 sản phẩm được công nhận nhãn hiệu chứng nhận. Tỷ trọng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đạt 30% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp.
Về đầu tư công, tổng kế hoạch đầu tư công trong năm 2018 của Lam Đồng bố trí trực tiếp cho các dự án là 3.040 tỷ đồng và tính đến hết 30/6/2018 tỉnh đã giải ngân được 1.288 tỷ đồng, tăng 45,8% kế hoạch.
Bên cạnh những kết quả trên, ông Việt cũng nêu những khó khăn, hạn chế của tỉnh còn tồn tại như: Tăng trưởng kinh tế một số lĩnh vực chưa bền vững, việc liên kết trong sản xuất tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị triển khai vẫn còn chậm; vi phạm pháp luật về bảo vệ phát triển rừng còn diễn biến phức tạp. Ngành công nghiệp phát triển chưa thực sự cao... Tiến độ triển khai các chương trình trọng tâm, trọng điểm tuy có chuyển biến nhưng còn chậm so với yêu cầu đề ra...
Ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng báo cáo Thủ tướng tình hình kinh tế - xã hội và kết quả sau 2 năm thực hiện cơ chế đặc thù cho thành phố Đà Lạt |
Riêng với việc thực hiện cơ chế đặc thù phát triển thành phố Đà Lạt theo Quyết định 1528/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ông Việt cho biết: Sau 2 năm thực hiện cơ chế đặc thù phát triển thành phố Đà Lạt theo Quyết định của Thủ tướng, Lâm Đồng đã ban hành danh mục 27 dự án đầu tư kinh doanh bất động sản trên địa bàn thành phố và công bố 2 khu nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Lạc Dương, Đức Trọng, danh mục 7 dự án nông nghiệp công nghệ cao tập trung. Tỉnh đã thí điểm xây dựng làng đô thị xanh tại xã Xuân Thọ, thành phố Đà Lạt. Tỉnh cũng đã có 8 thỏa thuận hợp tác và biên bản ghi nhớ hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư, tổ chức tín dụng để triển khai các dự án xúc tiến đầu tư vào thành phố Đà Lạt với tổng kinh phí dự kiến là hơn 48 ngàn tỷ đồng...
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương bày tỏ ấn tượng với kết quả thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Lâm Đồng hiện ở mức cao nhất cả nước. Tỉnh đã hình thành một mô hình trung tâm lớn của toàn quốc đối với một số mặt hàng nông sản là thế mạnh của địa phương như: rau, hoa, nấm, dược liệu theo mô hình liên kết với doanh nghiệp để mở rộng thị trường xuất khẩu.
Thủ tướng chỉ ra tam giác vàng cho phát triển kinh tế Lâm Đồng
Đánh giá cao những kết quả đạt được của Lâm Đồng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, với tốc độ phát triển nhanh, trong tương lai không xa, Lâm Đồng không còn nhận hỗ trợ ngân sách trung ương và có thể đóng góp trở lại cho Trung ương. Các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của tỉnh đạt kết quả ấn tượng. Nông nghiệp công nghệ cao đạt doanh thu bình quân 163,8 triệu đồng/ha/năm. Lâm Đồng có nhiều tiềm năng và đang nhanh chóng trở thành một cực tăng trưởng của khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Lâm Đồng sớm định hình phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị, hình thành các mô hình chuỗi nông sản an toàn. Lâm Đồng cũng sớm xây dựng thương hiệu cho nhiều loại nông sản địa phương…
Mặc dù vậy, Thủ tướng nhìn nhận đóng góp của lĩnh vực nông lâm thủy sản và tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của Lâm Đồng còn khiêm tốn. Lâm Đồng nên khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến gắn với các sản phẩm nông nghiệp hiện có ở địa phương thay vì xuất khẩu thô. Nông nghiệp công nghệ cao là quan trọng, có vai trò tạo thu nhập lớn cho người dân địa phương, song nếu không phát triển công nghiệp chế biến đi kèm thì thu nhập nông nghiệp dù có tăng đến mức nào cũng sẽ chững lại, khó tăng hơn được nữa, đúng như nhà bác học Lê Quý Đôn đã nói, “phi công bất phú”.
“Tôi lưu ý điều mà tôi tạm gọi là tam giác vàng cho phát triển của Lâm Đồng: Nông nghiệp sạch công nghệ cao; công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp; du lịch gắn với nông nghiệp công nghệ cao”, Thủ tướng cho rằng, đi theo tam giác này thì mới có thể phát triển bền vững, tốc độ cao, “chứ đi một chân như nông nghiệp công nghệ cao hiện nay thì tốt nhưng chưa thể giàu được”.
Thủ tướng cũng lưu ý những bất cập, thách thức nổi lên trong ngành du lịch mà địa phương cần nhanh chóng đưa ra giải pháp kịp thời, cụ thể. Đó là giữ rừng, bảo vệ rừng, phát triển rừng, “nếu mất rừng thì không còn Đà Lạt, không còn Lâm Đồng”.
Theo Thủ tướng, Đà Lạt nói riêng, Tây Nguyên, Lâm Đồng nói chung là vùng đất có những giá trị độc đáo về di sản lịch sử, văn hóa, thời tiết, cảnh quan… Không chỉ cho Việt Nam mà cả khu vực ASEAN và rộng hơn là châu Á nhưng vẫn chưa bật lên trở thành địa danh du lịch tầm cỡ quốc tế, một vùng đất thịnh vượng về nông nghiệp, cung cấp những loại củ quả chất lượng cao cho thị trường ASEAN với 650 triệu dân và đưa nông nghiệp Việt Nam định vị cao trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp khu vực và quốc tế.
Thủ tướng đề nghị Lâm Đồng cần xem xét tăng trưởng kinh tế chứa đựng nhiều yếu tố thiếu ổn định, chất lượng chưa cao, chưa hài hòa, chưa thể an tâm, không được phép chủ quan. Phải giải quyết tốt các điểm nghẽn trong du lịch cũng như việc đánh tráo nguồn gốc sản phẩm, phải tiếp tục tăng thời gian lưu trú, không phải 3 ngày mà lên cao hơn, phải tăng tỷ lệ du khách quay trở lại.
Nguồn: báo Công thương