Bạn đang ở đây

Hà Lan thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, hướng đến phát triển bền vững

17/04/2018 09:21:10

Kinh tế tuần hoàn là gì? Đó là nền kinh tế mà các nhà sản xuất thiết kế sản phẩm sao cho có thể tái sử dụng được. Sản phẩm và nguyên liệu được tái sử dụng càng nhiều càng tốt, ví dụ như việc tái chế nhựa thành bột viên để sản xuất các sản phẩm nhựa mới, kính thải được sử dụng để làm kính mới. Một nền kinh tế dựa trên tái chế sẽ đảm bảo tương lai của quốc gia có đủ nguyên liệu thô cho thực phẩm, nơi trú ẩn, sưởi ấm và các nhu cầu thiết yếu khác.

Tại thời điểm hiện nay sự chuyển đổi mô hình kinh tế sang kinh tế tuần hoàn là thiết yếu đối với Hà Lan khi nhu cầu về nguyên liệu thô của nước này đang tăng lên và nguồn cung lại phụ thuộc vào các nước khác. Ngành công nghiệp của Hà Lan có tới 60% nguyên liệu từ nước ngoài, một số trong số đó đang trở nên khan hiếm. Điều này dẫn đến giá nguyên liệu thô tăng cao, mang lại những hậu quả tiêu cực cho sự ổn định của nền kinh tế. Bên cạnh đó khan hiếm nguyên liệu thô cũng có thể gây ra căng thẳng chính trị toàn cầu.

Trong một nền kinh tế dựa trên tái chế, vật liệu được tái sử dụng

Chính phủ Hà Lan đã phát triển chương trình hậu thuẫn cho nền kinh tế tuần hoàn nhằm mục tiêu đảm bảo cuộc sống và điều kiện làm việc lành mạnh, an toàn, ít gây hại cho môi trường. Chương trình này có sự tham gia của nhiều Bộ liên quan, bao gồm tất cả các chương trình nhằm xử lý nguyên liệu thô hiệu quả hơn: Từ nguồn rác thải đến tài nguyên (VANG), các chương trình phát triển xanh và nền kinh tế trên cơ sở sinh học.

Việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn không chỉ mang lại cơ hội kinh tế mà còn thúc đẩy phát triển khoa học, cắt giảm khí thải CO2, đảm bảo sức khỏe và an toàn. Đó là lý do Chính phủ Hà Lan thực hiện nhiều biện pháp khuyến khích và đầu tư vào các doanh nghiệp đang hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn. Cụ thể, Hà Lan sẽ thực hiện cải cách pháp luật, ưu đãi thị trường trí tuệ, hỗ trợ tài chính, nâng cao tri thức, thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Trong tiến trình biến chuyển, Chính phủ đã lựa chọn 5 ngành kinh tế và chuỗi giá trị đầu tiên sẽ được chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn. 5 ưu tiên này rất quan trọng đối với nền kinh tế Hà Lan và có ảnh hưởng lớn đến môi trường, bao gồm khí sinh học và thực phẩm, nhựa, ngành công nghiệp sản xuất, ngành xây dựng và hàng tiêu dùng.

Phân tích cho thấy nền kinh tế tuần hoàn mang lại lợi ích hài hòa về mặt kinh tế và môi trường. Riêng với Hà Lan, mô hình kinh tế này có thể tạo ra hơn 50.000 việc làm, giảm 10% chất thải ra môi trường, tiết kiệm 20% nước sử dụng trong ngành công nghiệp, giảm 25% nhập khẩu các nguồn cơ bản, tạo ra 7 tỷ euro cho nền kinh tế quốc gia. 

Nguồn: báo Công thương