Ngành dược vẫn phải nhập khẩu 85-90% nguyên liệu. Ảnh minh họa |
Theo kết quả điều tra, nghiên cứu thực trạng chi phí kinh doanh năm 2017 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đến nay nhiều ngành sản xuất trong nước vẫn phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Cụ thể: Chi phí nguyên liệu đầu vào của ngành công nghiệp dược chiếm gần 60% chi phí sản xuất, song ngành dược vẫn phải nhập khẩu 85-90% nguyên liệu.
Ngành công nghiệp nhựa cũng đang phải nhập khẩu hơn 80% nguyên liệu để phục vụ sản xuất. Ngay cả ngành điều, dù Việt Nam là nước xuất khẩu nhân điều lớn nhất thế giới, nhưng hàng năm vẫn phải nhập khẩu trên 01 triệu tấn trong tổng số 1,4 triệu tấn điều thô dùng để chế biến. Ngành thủy sản trước đây chủ yếu nuôi trồng, khai thác để phục vụ chế biến xuất khẩu thì gần đây cũng đã bắt đầu phải nhập khẩu nguyên liệu. Ngành dệt may vẫn đang phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, chỉ riêng mặt hàng vải các doanh nghiệp trong nước vẫn phải nhập khẩu lên tới 86% để phục vụ sản xuất, trong khi chất lượng vải trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường xuất khẩu chính các mặt hàng dệt may...
Do không chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước phải nhập khẩu nên các doanh nghiệp Việt Nam trong những ngành sản xuất nêu trên không chỉ bị chi phối về giá bán của các nhà cung cấp nguyên liệu, mà còn chịu sự tác động của diễn biến tỷ giá hối đoái giữa đồng nội tệ (VND) với các đồng ngoại tệ, các vấn đề chi phí liên quan thuế, thủ tục nhập khẩu... Mỗi khi thị trường cũng như giá nguyên liệu quốc tế biến động bất lợi, các ngành sản xuất trong nước lại gặp rất nhiều khó khăn.
Giá thành nguyên liệu biến động tăng không chỉ gây áp lực lớn về tài chính, mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn phải gặp thêm rủi ro khác trong quá trình nhập khẩu là rất khó kiểm soát chất lượng hàng hóa. Đây là nguyên nhân quan trọng khiến cho chi phí nguyên liệu trong giá thành sản xuất còn cao, chất lượng sản phẩm cũng như năng lực cạnh tranh quốc tế của hàng hóa cũng như của doanh nghiệp Việt Nam vẫn hạn chế.
Để khắc phục tình trạng nêu trên, VCCI cho rằng, Chính phủ cần có các chính sách ưu đãi mạnh hơn nhằm khuyến khích phát triển các vùng nguyên liệu phù hợp với điều kiện, lợi thế, nhất là đối với các ngành sản xuất mà tiềm năng, lợi thế trong nước có thể chủ động phát triển nguồn nguyên liệu như ngành dược, dệt may, thủy sản… thông qua việc hỗ trợ mạnh mẽ hơn công tác quy hoạch, ưu đãi về đất đai, lãi suất vay vốn… cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, sản xuất nguyên liệu và các mặt hàng thay thế nhập khẩu…
Về phía doanh nghiệp, cần “hướng nội” sử dụng nguồn nguyên liệu, có chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu trong nước để từng bước giảm phụ thuộc vào bên ngoài, qua đó giảm giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh…/.