Tính đến nay, ASEAN có 6 FTA với các đối tác ngoài khối bao gồm ASEAN- Trung Quốc (ACFTA), ASEAN- Hàn Quốc (AKFTA), ASEAN- Nhật Bản (AJCEP), ASEAN- Ấn Độ (AIFTA), ASEAN-Australia- New Zealand (AANZFTA) và ASEAN- Hồng Kong, Trung Quốc (AHKFTA) vừa được hoàn thành.
Dựa vào những lợi ích từ hội nhập toàn cầu của ASEAN và các sáng kiến hội nhập kinh tế khu vực, ASEAN đang nỗ lực để hướng tới hội nhập khu vực vào nền kinh tế toàn cầu thông qua các FTA và các hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (CEP). Tính đến tầm quan trọng của ASEAN, cả về chính trị và kinh tế xã hội cũng như khả năng đàm phán các FTA với các đối tác tiềm năng khác trong tương lai, tại Hội nghị Quan chức cao cấp kinh tế ASEAN hẹp (SEOM Retreat) tháng 11/2017 đã thống nhất cần phải có mô hình cho các FTA ASEAN, trong đó nhấn mạnh vị thế của ASEAN và mức độ/ phạm vi của các FTA tiềm năng. Mô hình này có thể được xem xét từ các FTA ASEAN+1 hiện tại và các FTA đang đàm phán, bao gồm cả các vấn đề truyền thống cũng như các yếu tố bổ sung. Ban Thư ký ASEAN đã xây dựng đề xuất để ASEAN thảo luận trong tháng 1/2018.
Trên thực tế, có sự khác biệt trong cách tiếp cận đối với các FTA ASEAN+1. ACFTA, AKFTA và AIFTA sử dụng cách tiếp cận liên tục để đàm phán với một hiệp định khung được thống nhất trước để làm cơ sở cho các hiệp định thành phần được đàm phán với các yếu tố cụ thể như hàng hóa, dịch vụ,d dầu tư. Mặt khác, AJCEP, AANZFTA và AHKFTA sử dụng cách tiếp cận trọn gói với tất cả các yếu tố FTA được đàm phán song song. Cách tiếp cận này cũng đang được sử dụng trong đàm phán RCEP. Trong số các FTA ASEAN+1, AANZFTA là hiệp định toàn diện nhất bao gồm các lĩnh vực truyền thống như thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư cũng như các yếu tố khác về hợp tác kinh tế, sở hữu trí tuệ, cạnh tranh và thương mại điện tử. Đàm phán RCEP cũng bao gồm các yếu tố đó và có thêm doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), mua sắm chính phủ.
1. Thương mại hàng hóa: Thường bao gồm các nội dung chủ yếu:
(i) Tự do hóa thuế quan: mức độ xóa bỏ thuế quan đối với trên 90% dòng thuế trong ACFTA, AKFTA, AJCEP và AANZFTA; 76,4% trong AIFTA và 85% trong AHKFTA. ASEAN đề xuất 92% xóa bỏ thuế quan trong đàm phán RCEP. Tất cả các FTA ASEAN+1 ngoại trừ ACFTA đều có danh mục loại trừ.
(ii) Các biện pháp phi thuế quan (NTM): tất cả các FTA ASEAN+1 khẳng định lại cam kết WTO về NTM với một cách tiếp cận chung, thông báo NTM nói chung mà không cụ thể hóa các biện pháp theo chuyên ngành.
(iii) Quy tắc xuất xứ (ROO): quy định khác nhau giữa các FTA. AKFTA, AJCEP và AANZFTA đưa ra phương án sử dụng hàm lượng giá trị khu vực (RVC 40) hoặc chuyển đổi mã số hàng hóa (CTH). ACFTA đưa ra phương án lựa chọn RVC 40% hoặc CTH với 46 chương, và chỉ RVC 40% với các chương khác. ROO của AIFTA đặt ra quy tắc chung về RVC 35% cộng với thay đổi phân nhóm hàng hóa (CTSH) trong khi RVC 40% trong AHKFTA. Ngoài ra, có danh mục các quy tắc sản phẩm cụ thể, sử dụng tiêu chí một hàng hóa được coi là hàng hóa có xuất xứ. Sử dụng danh mục PSR và khả năng áp dụng tích gộp đầy đủ đối với một số ngành đang được thảo luận trong đàm phán RCEP.
(iv) STRACAP: tất cả các FTA ASEAN+1 đều khẳng định lại cam kết đối với Hiệp định TBT của WTO. AANZFTA và ACFTA có điều khoản xác nhận Hiệp định TBT của WTO. AJCEP có điều khoản khẳng định lại quyền và nghĩa vụ trong khuôn khổ hiệp định TBT của WTO. ACFTA và AANZFTA bao gồm 5 yếu tố chính về tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật, thủ tục đánh giá sự phù hợp, hợp tác và tham vấn kỹ thuật. Đàm phán RCEP xem xét các điểm quyết định liên quan đến Ủy ban TBT của WTO và nhiều tiêu chuẩn quốc tế liên quan, chỉ dẫn và khuyến nghị.
(v) SPS: tất cả các FTA ASEAN+1 khẳng định cam kết của Hiệp địnH SPS trong WTO. ACFTA, AHKFTA và AANZFTA mô tả yêu cầu chi tiết để thực thi các nguyên tắc SPS, phân tích rủi ro và minh bạch hóa/ thông báo, trong khi AKFTA, AJCEP, AIFTA và AHKFTA giải quyết các biện pháp SPS nói chung. Đàm phán RCEP kết hợp các điểm quyết định của Ủy ban SPS WTO và các tiêu chuẩn quốc tế, chỉ dẫn, khuyến nghị liên quan đã ràng buộc về pháp lý.
(vi) Phòng vệ thương mại: tất cả các FTA ASEAN+1 đều khẳng định cam kết WTO về trợ cấp và các biện pháp đối kháng, chống phá giá với điều khoản về tự vệ. ACFTA, AKFTA, AJCEP và AIFTA đều có các điều khoản về tự vệ. AANZFTA có một chương về tự vệ, và AHKFTA có một chương về phòng vệ thương mại. Một chương về phòng vệ thương mại bao gồm cả tự vệ, các biện pháp chống phá giá và đối kháng đang được đàm phán trong RCEP.
(vii) Thủ tục hải quan và tạo thuận lợi thương mại: tất cả các FTA ASEAN+1 đều điều chỉnh hợp tác trong thủ tục hải quan, thuận lợi hóa thương mại, định giá, phán quyết sớm và quản lý rủi ro. Đàm phán RCEP bao gồm các nghĩa vụ ràng buộc pháp lý và cam kết WTO+ có thể bao gồm thuận lợi hóa thương mại cho các cơ quan quản lý, minh bạch hóa, rà soát; phán quyết sớm, đơn giản hóa thủ tục hải quan, điểm chỉ dẫn, thông quan hàng hóa, cơ chế một cửa.
2. Thương mại dịch vụ
Tất cả các FTA ASEAN+1 đã được đàm phán dựa vào cách tiếp cận chọn cho của GATS với phương thức 3 được đưa ra là một phần của chương/ hiệp định dịch vụ.
Các chương riêng về di chuyển thể nhân được xây dựng trong AANZFTA, AJCEP và đàm phán RCEP. Một số FTA ASEAN+1 cũng có các phụ lục chuyên ngành như Phụ lục về Dịch vụ tài chính trong AANZFTA, AJCEP, AKFTA và đàm phán RCEP, và Phụ lục về dịch vụ viễn thông trong AANZFTA, AJCEP và đàm phán RCEP.
3. Đầu tư
Tất cả các FTA ASEAN+1 đều bao gồm tự do hóa, bảo hộ, thúc đẩy và tạo thuận lợi cho đầu tư. Trong các hiệp định này, một số điều khoản liên quan đến chương trình làm việc và một số nghĩa vụ không được áp dụng cho đến khi hoàn thành (ví dụ đối xử quốc gia được hoãn thi hành cho đến khi danh mục bảo lưu có hiệu lực).
4. Sở hữu trí tuệ
ACFTA, AIFTA, AJCEP và AHKFTA đều khẳng định lại cam kết của TRIPs trong WTO. AANZFTA khẳng định và dựa vào một số lĩnh vực (như nghĩa vụ liên quan đến bảo vệ quyền tác giả, nhãn hiệu thương mại và chỉ dẫn địa lý cũng như minh bạch hóa) và một số điều khoản về hợp tác và hỗ trợ kỹ thuật. Một chương về sở hữu trí tuệ đang được đàm phán trong RCEP.
5. Cạnh tranh
AANZFTA là FTA ASEAN+1 duy nhất có một chương về cạnh tranh, trong đó các bên công nhận tầm quan trọng của hợp tác trong thúc đẩy cạnh tranh. Các bên cũng công nhận sự khác biệt đáng kể về năng lực giữa các bên trong chính sách cạnh tranh. Hiệp định quy định rằng các bên có thể tham gia các hoạt động hợp tác để thúc đẩy cạnh tranh và chống các hành vi không cạnh tranh. MỘt chương về cạnh tranh cũng cơ bản hoàn thành trong đàm phán RCEP và đang chờ quyết định chính trị về vấn đề nhạy cảm như doanh nghiệp nhà nước.
6. Thương mại điện tử
Chỉ có AANZFTA có một chương riêng về thương mại điện tử, bao gồm các khuôn khổ quy định trong nước, chữ ký điện tử và chứng thực số hóa, bảo vệ người tiêu dùng trực tuyến, và bảo vệ dữ liệu trực tuyến, giao dịch không giấy tờ và hợp tác. Một chương về thương mại điện tử cũng đang được đàm phán trong RCEP tập trung vào hợp tác để tạo thuận lợi và thúc đẩy thương mại điện tử.
7. Hợp tác kinh tế và kỹ thuật (ECOTECH)
Hợp tác kinh tế có phạm vị rộng trong hầu hết các FTA ASEAN+1, ngoại trừ AANZFTA và AHKFTA với trọng tâm/ sẽ trọng tâm vào hỗ trợ thực thi hiệp định liên quan đến các lĩnh vực được lựa chọn. Có 8 lĩnh vực hợp tác trọng tâm trong AANZFTA là ROO, SPS, STRACAP, dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, hải quan và cạnh tranh, trong khi có 5 lĩnh vực hợp tác trong AHKFTA là hợp tác hải quan, dịch vụ nghề nghiệp, SME, thuận lợi hóa thương mại/ logistics, và hợp tác thương mại điện tử.
Một chương về ECOTECH đã được hoàn tất trong RCEP, bao gồm 7 lĩnh vực trọng tâm là thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, SME và thương mại điện tử.
8. Doanh nghiệp nhỏ và vừa
Không có chương SME nào trong các FTA ASEAN+1 nhưng hợp tác về SME là một trong những ưu tiên hợp tác trong hầu hết các FTA ASEAN+1 (ngoại trừ AANZFTA, nhưng kết quả từ hỗ trợ kinh tế có đề cập đến, mang lại lợi ích cho khu vực tư nhân). Một chương trong RCEP được hoàn tất tạo nền tảng cho hợp tác kinh tế nhằm nâng cao năng lực của SME hưởng lợi từ RCEP.
9. Mua sắm chính phủ
Không có chương riêng về Mua sắm chính phủ trong các FTA ASEAN+1. Một chương về nội dung này đang được đàm phán trong RCEP tập trung vào minh bạch hóa và hợp tác.
10. Cơ chế giải quyết tranh chấp (DSM)
Một số điều khoản về DSM được đưa vào hiệp định/chương về thương mại hàng hóa trong hầu hết các FTA ASEAN+1, trong khi đó một chương về DSM có trong AANZFTA và AHKFTA. Một chương về DSM đang được đàm phán trong RCEP.
11. Rà soát
Tất cả các FTA ASEAN+1 đều có điều khoản về rà soát hiệp định và một số có quy định cụ thể giai đoạn rà soát, ví dụ như 5 năm với AJCEP và AANZFTA, 3 năm đối với AHKFTA và AHKIA.
Trên cơ sở rà soát các yếu tố chung về các FTA ASEAN+1 và RCEP đang đàm phán, các nước ASEAN sẽ xem xét mô hình sử dụng cách tiếp cận trọn gói đối với đàm phán và dự kiến FTA sẽ được đàm phán trong tương lai, tính đến lợi ích của ASEAN.