Bạn đang ở đây

Mục tiêu lớn của ​Khuyến công Hà Nội trong năm 2018

17/01/2018 14:06:43

 

Đào tạo và phát triển nghề được xem là điểm nhấn của khuyến công Hà Nội

Hoàn thành tốt nhiệm vụ

Theo đánh giá của Sở Công Thương Hà Nội, năm 2017, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp thành phố (trung tâm) đã hoàn thành tốt kế hoạch khuyến công, trong đó, nội dung đào tạo và phát triển nghề được xem là điểm nhấn. Cụ thể, trung tâm đã tổ chức 40 lớp truyền nghề, nhân, cấy nghề cho 1.400 lao động khu vực nông thôn, tập trung vào ngành nghề thủ công mỹ nghệ (TCMN) như: Mây tre đan, sơn mài, khảm trai, thêu ren, gốm sứ... Kết thúc khóa đào tạo, các học viên đã có tay nghề cơ bản, tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Đặc biệt, trên 85% học viên các lớp học nghề mây tre đan thực hiện tại huyện Chương Mỹ, Ba Vì, Thạch Thất… có việc làm sau đào tạo; các lớp nghề dát vàng quỳ, sơn mài, khảm trai tại huyện Gia Lâm, Thường Tín, Phú Xuyên… cũng có 60 - 80% học việc sau đào tạo có việc làm với thu nhập ổn định.

Cùng đó, trung tâm cũng dành nguồn lực hỗ trợ 12 cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) đầu tư ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất. Các dự án sau đầu tư đã phát huy tốt hiệu quả, giúp doanh nghiệp, cơ sở CNNT nâng cao năng suất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Đặc biệt, tận dụng lợi thế có nhiều làng nghề thủ công truyền thống, trung tâm đã triển khai nhiều hoạt động giúp các làng nghề, doanh nghiệp quảng bá sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước. Cụ thể, đã hỗ trợ 33 doanh nghiệp tham gia hội chợ quốc tế hàng TCMN tại Singapore, Đức, Hồng Kông; tổ chức Hội chợ quốc tế Quà tặng hàng TCMN năm 2017, thu hút sự tham gia của 120 nhà nhập khẩu đến từ khắp nơi trên thế giới.

Công tác khuyến công đã góp sức vào mức tăng trưởng 11% giá trị sản xuất CNNT với trên 89.000 tỷ đồng. Số lao động CNNT được tạo việc làm mới thông qua hoạt động khuyến công đạt 10.000 người với thu nhập bình quân 47,16 triệu đồng một năm. Đặc biệt, trung tâm đã hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở tạo ra 250 mẫu sản phẩm mới.

Động lực thúc đẩy 

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong năm 2017, UBND thành phố đã đặt ra những mục tiêu lớn cho công tác khuyến công năm 2018. Theo đó, đưa công tác khuyến công trở thành động lực thúc đẩy và đạt giá trị sản xuất CNNT tăng 10% với khoảng 98.000 tỷ đồng, trong đó giá trị sản xuất làng nghề tăng 10-12%, đạt khoảng 22.000 tỷ đồng… Phấn đấu có 450-500 lượt cơ sở sản xuất CNNT, làng nghề được hỗ trợ từ công tác khuyến công. Tạo ra khoảng 300 mẫu sản phẩm có thiết kế mới trong lĩnh vực TCMN, tăng 20% so với năm 2017.

Cụ thể, khuyến công thành phố tiếp tục hỗ trợ 40 cơ sở sản xuất CNNT truyền nghề, cấy nghề TCMN cho khoảng 1.400 lao động nông thôn, có ít nhất 80% số lao động được bố trí việc làm với thu nhập ổn định; hỗ trợ 10 cơ sở sản xuất có dự án đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại vào sản xuất góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; tổ chức Hội chợ quốc tế Quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2018 với quy mô khoảng 650 gian hàng; hỗ trợ 35-40 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề tham gia 3 hội chợ quốc tế ngành TCMN tại nước ngoài…

UBND thành phố giao Sở Công Thương chịu trách nhiệm chủ trì, tổ chức, hướng dẫn, triển khai thực hiện kế hoạch khuyến công đảm bảo đúng mục tiêu, kết quả đề ra; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức khảo sát, thẩm tra lựa chọn cơ sở có đủ năng lực để thực hiện hỗ trợ bảo đảm thiết thực, hiệu quả, không chồng chéo; huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cùng với nguồn kinh phí khuyến công thành phố đầu tư hỗ trợ phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề trên địa bàn nông thôn Hà Nội. 

Năm 2018 khuyến công Hà Nội được giao nhiệm vụ triển khai sâu, rộng hơn nữa công tác khuyến công, phát huy thế mạnh, tạo sức bật mạnh mẽ cho ngành CNNT của thành phố.