Phát biểu tại buổi họp báo, ông Đào Văn Hồ - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp - cho biết: Hội chợ được tổ chức nhằm tôn vinh sản phẩm nông đặc sản địa phương, phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững. Đồng thời, tạo cơ hội giao lưu kinh tế, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, khảo sát nhu cầu thị trường, từ đó giúp các địa phương mở rộng thị trường tiêu thụ, đưa sản phẩm nông đặc sản địa phương trở thành hàng hóa có tính thương mại và giá trị gia tăng cao, khuyến khích phát triển mô hình sản xuất phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013… Bên cạnh đó, hội chợ sẽ tạo cơ hội cho các địa phương thu hút đầu tư trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm nông đặc sản với quy mô lớn, khuyến khích phát triển tiềm năng du lịch văn hóa, ẩm thực và du lịch xanh.
Cũng theo ông Đào Văn Hồ, đến thời điểm này, ban tổ chức đã nhận được sự đăng ký tham gia của nhiều tổ chức, đơn vị đến từ các sở NN&PTNT, trung tâm xúc tiến thương mại, trung tâm khuyến công các tỉnh, các đơn vị sản xuất, chế biến kinh doanh các mặt hàng nông sản… Dự kiến, quy mô hội chợ là 200 gian hàng, chia thành các khu: thủy sản và sản phẩm chế biến từ thủy sản; khu các sở NN&PTNT, các trung tâm xúc tiến thương mại....
Đặc biệt, tại hội chợ lần này sẽ có khu trưng bày, giới thiệu, tổ chức các sự kiện nhằm quảng bá các sản phẩm cam sành và các sản phẩm đặc sản Hà Giang. Đây sẽ là điểm nhấn đáng chú ý đối với khách thăm quan, mua sắm tại hội chợ. Đồng thời, đây cơ hội để Hà Giang đưa thương hiệu sản phẩm cam sành, các đặc sản của tỉnh Hà Giang tiếp cận và định vị trong văn hóa tiêu dùng của người dân thủ đô.
Hội chợ sẽ diễn ra từ ngày 19-25/12. Trong khuôn khổ của hội chợ sẽ diễn ra hội nghị “Giao thương, kết nối cung - cầu giữa các địa phương, nhà sản xuất với các doanh nghiệp phân phối nông sản thực phẩm an toàn”; Sự kiện “Quảng bá, giới thiệu nông đặc sản, văn hóa ẩm thực địa phương”.