Tại buổi tiếp, hai bên đã có những trao đổi về vai trò của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đối với quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, đặc biệt là về thực phẩm, sản phẩm nông nghiệp; về khả năng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Hoa Kỳ và TP.Hồ Chí Minh.
Bí thư Đinh La Thăng cho rằng TPP sẽ đem lại nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức cho Việt Nam. Nông sản Việt Nam sẽ phải cạnh tranh mạnh mẽ, đặc biệt là các sản phẩm chất lượng cao từ các nước có nền nông nghiệp tiên tiến như Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Việt Nam xác định TPP là một bước quan trọng trong triển khai chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện. Thông qua TPP, Việt Nam có cơ hội nâng cao hiệu quả và chất lượng phát triển kinh tế, nhất là lĩnh vực nông nghiệp.
Hiện nay, cơ cấu nông nghiệp TP.Hồ Chí Minh đang chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị, từ trồng lúa sang trồng hoa, cây cảnh và bò sữa. Vì vậy, thành phố sẽ có rất nhiều nội dung hợp tác với Hoa Kỳ trong lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể như hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, giống cây trồng, an toàn vệ sinh thực phẩm, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao… Thông qua TPP, Việt Nam nói chung, TP.Hồ Chí Minh nói riêng sẽ đón nhận một làn sóng đầu tư mới, đặc biệt là từ các nhà đầu tư Hoa Kỳ.
Ông Thomas James Vilsack- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ nhấn mạnh hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ vốn có nhiều triển vọng trong hợp tác phát triển kinh tế. Phía Hoa Kỳ đang nỗ lực đưa các sản phẩm của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ. Trong đó, nông sản Việt Nam đa dạng, chất lượng sẽ có rất nhiều lợi thế để xuất sang thị trường tiềm năng này. Bởi người tiêu dùng Hoa Kỳ ưa chuộng nhiều loại rau quả và trái cây Việt Nam, một số nông sản Việt đã được giới thiệu ở thị trường Mỹ.
Cố gắng thúc đẩy xuất khẩu tiêu giúp bà con nông dân trồng tiêu có được nguồn thu nhập ổn định tránh tình trạng bấp bênh như hiện nay.
Theo Bộ trưởng Vilsack nông dân không nên lo sợ cạnh tranh khi Việt Nam gia nhập TPP, vì hiệp định này giúp phát triển kinh tế nông nghiệp. Khi tham gia TPP, nền nông nghiệp Việt Nam có cơ hội để phát triển chuỗi cung ứng, từ đó đẩy mạnh xuất khẩu, chuyên môn hoá ở từng lĩnh vực như sản xuất nông sản, đóng gói, vận chuyển… dẫn đến tạo nhiều cơ hội việc làm cho người dân. Điều quan trọng là nhà sản xuất Việt Nam đánh giá vai trò của thị trường Hoa Kỳ ra sao. Khi hàng rào thuế quan được giảm và dỡ bỏ, các mặt hàng Việt Nam sẽ rất cạnh tranh ở thị trường Hoa Kỳ, nhu cầu đối với các nông sản này cũng sẽ tăng theo.
Bộ trưởng Thomas James Vilsack cùng phái đoàn đã đến tìm hiểu các sản phẩm nông nghiệp được bày bán tại siêu thị Co.opXtra ở Quận 7 |
Chia sẻ với những khó khăn của nông dân Việt Nam trước nạn hạn hán làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua, Bộ trưởng Thomas James Vilsack cho rằng, Hoa Kỳ sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm giúp Việt Nam ứng phó với biến đổi khí khậu, đặc biệt là tình trạng hạn hán gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành nông nghiệp, đến đời sống của người nông dân.
Nguồn: Báo Công Thương