Bạn đang ở đây

Cách phòng trị bệnh vàng lá thối rễ Sầu Riêng hiệu quả

17/07/2016 17:25:51

Hiện nay bệnh vàng lá thối rễ không chỉ bị nhiễm ở cây có múi mà còn xuất hiện ở các loại cây khác mà đặc biệt là trên các giống sầu riêng từ Miền Tây, miền Đông cho đến Tây Nguyên. Phân biệt đúng bệnh thì liệu pháp phòng và trị sẽ tốt hơn. Bệnh này được ví như là ung thư so với bệnh nứt thân xì mủ được ví như Sida. Qua bài viết này Viện Eakmat chúng tôi mong muốn bà con nông dân cần có cái nhìn khách quan với loại bệnh âm ỉ mà khó chữa này để từ đó việc phòng trị bệnh sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. 
Triệu chứng 
Bệnh xuất hiện triệu chứng trên lá, lá bị biến vàng, già sớm. Vàng lá có thể xảy ra trên một vài nhánh hay trên toàn cây, triệu chứng xuất hiện trên lá già, sau đó đến các lá non. Khi cây bị bệnh bị lay động mạnh hoặc có gió mạnh làm cho lá vàng bị rụng nhiều, có khi trơ cả cành và cây chết dần. Thông thường năm đầu tiên bệnh sẽ xuất hiện trên đỉnh đọt gây ra hiện tượng chổi chà. Thời gian này cây vẫn cho trái, thu hoạch bình thường. Qua năm thứ 2 thì bắt đầu lan dần xuống và năm thứ 3 thì các cành chính cũng bị vàng lá và gây chết cây.
Tác nhân gây bệnh
Theo tác giả Phạm Văn Kim (1997) đã thực hiện thành công việc chứng minh tác nhân gây bệnh vàng lá thối rễ của cam mật(Citrus cinensis) và quýt tiều(C.reculata) qua các bước thực hiện qui trình Kock và đã công bố tác nhân gây bệnh này là nấm Fusarium solani. Và theo chúng tôi nhìn nhận thì cơ chế gây hại của nấm Fusarium solani trên cây sầu riêng cũng tương tự cây có múi.
Lê Thị Thu Hồng và ctv.(2002) đã nghiên cứu bệnh vàng lá chết nhanh trên cây quít tiều tại Lai Vung, Đồng Tháp và cũng kết luận là bệnh này do nhiều tác nhân gồm Fusarium, Pythium, Phytophthora và tuyến trùng gây ra, trong đó sự tương tác giữa nấm Fusarium và tuyến trùng là quan trọng nhất.
Đây là hiện tượng tương đối phức tạp trên cây trồng, vì ngoài những tác nhân trên thì có nhiều yếu tố khác có thể tác động và tạo cộng hưởng thêm cho sự thiệt hại, trong đó phải kể đến là đất trồng qua nhiều năm không được cung cấp phân hữu cơ, dẫn đến hiện tượng đất thiếu một số nguyên tố vi lượng trầm trọng. Nấm Fusarium solani xâm nhập vào cây sẽ tạo ra khí ethylene nội sinh gây ra tình trạng chín sớm của lá, trái cây làm ảnh hưởng đến chất lượng nông sản cũng như gây ra hiện tượng chết cây. 

 



Do việc canh tác, tạo vụ nghịch làm hư bộ rễ sau đó nấm bệnh tấn công vào.
Điều kiện phát sinh và phát triển
Nấm Fusarium solani cần có điều kiện thích hợp để phát triển và gây hại, đất bị oi nước lâu dài thì bệnh mới phát triển mạnh. Vì khi chủng nấm Fusarium solani vào cây trong điều kiện ráo nước (thoáng khí) thì sau 3 tháng cây vẫn không thể hiện triệu chứng của bệnh, nhưng nếu tạo điều kiện oi nước thì sau một tháng thì bệnh đã xuất hiện và gây triệu chứng vàng lá, rụng lá và thối rễ. Nếu kích rễ đọt non bằng phân bón thông thường thì nó sẽ ra đọt nhưng xuất hiện tàn đọt như chổi chà. Chính vì điều kiện này mà thông thường cây sầu riêng ở miền Đông và Tây Nguyên sẽ lâu chết hơn so với các vườn sầu riêng ở Miền Tây.
Bệnh có thể xảy ra quanh năm nhưng lẻ tẻ, không đáng kể. Bệnh thường phát triển thành dịch vào đầu mùa nắng, tháng 11 & 12 dl hằng năm. Cây chết hàng loạt vào tháng 1 đến tháng 4 dl và có thể tiếp tục kéo dài trong mùa mưa năm sau… 
Với vườn mới lên, cây bắt đầu chết vì bệnh thối rễ từ năm thứ năm cho đến năm thứ bảy trở về sau, tuỳ cách canh tác của từng vườn. Tuy nhiên những vườn trồng lại có thể bị nhiễm ngay từ năm đầu.
Với các vườn đã lên líp, lên mô lâu năm và được tạo lại để trồng cây có múi (quít hoặc cam) hay sầu riêng thì cây trồng bắt đầu thối rễ và chết cây vào sau vụ thu hoạch trái thứ hai và cây chết nhiều sau vụ thu hoạch trái thứ ba và thứ tư.
Các vườn cây bệnh và chết đều là những vườn không được bón phân hữu cơ mà chỉ được bón phân hoá học. Về lâu dài gây tình trạng chua hóa, chai đất là môi trường thuận lợi cho nấm bệnh ký sinh và phát triển.
Gần như các vườn đều không được bón vôi.
Điều kiện đất và nước rất đặc trưng cho vùng ĐBSCL giữ vai trò rất quan trọng đối với bệnh thối rễ cây ăn trái. Đất có thành phần sét cao, làm cho đất khó thoát nước sau các đợt mưa dài ngày vào giữa và cuối mùa mưa. Ở miền Đông và Tây Nguyên thì kết cấu đất thoáng hơn nhưng do điều kiện thiếu nước mùa khô nên làm mô trồng âm vì vậy mùa mưa cũng dễ phát sinh ẩm độ nên nấm bệnh phát sinh gây hại. Đất bị nước chiếm các tế khổng lâu dài nên rơi vào tình trạng yếm khí do oi nước. Tình trạng này kéo dài làm cho rễ cây trồng cạn phải hô hấp yếm khí lâu dài, các chất độc do các tiến trình sinh hóa trong tế bào rễ sinh ra, không được oxít hoá để giải độc, tích lũy trong tế bào và gây ngộ độc cho tế bào. Ngoài ra tuyến trùng hay rệp sáp cũng là tác nhân gây tổn thương cho bộ rễ làm nấm bệnh xâm nhập theo vết thương hở.
=> Từ đó các tế bào ở phần rễ non, nơi các tiến trình sinh hóa xảy ra mạnh nhất, sẽ bị chết dần từng tế bào và tạo ra các mảng thối của rễ non. Nấm F.solani có sẵn trong đất, có cơ hội xâm nhập vào rễ thông qua các vết thối này và bắt đầu tấn công dần phần rễ này. Kể từ khi bắt đầu xâm nhập cho đến khi triệu chứng bệnh thể hiện cần có thời gian ủ bệnh vài tháng, do đó ở các vườn, bệnh không xuất hiện ngay mùa mưa, lúc đất bị oi nước, mà bệnh thường xuất hiện nghiêm trọng trong đầu mùa nắng.
Biện pháp phòng trừ
- Thực hiện giống như những biện pháp đối với bệnh khác là sử dụng cây giống sầu riêng ri6sạch bệnh, có hàng cây chắn gió, lên liếp cao, có rảnh thoát nước tốt, có bờ bao để ngăn lũ, thoát úng nếu ở Miền Tây.
- Nên rải vôi trước khi trồng để loại trừ mầm bệnh có trong đất. Hàng năm nên cung cấp thêm vôi xung quanh gốc, quét vôi vào gốc cây trên 50cm vào cuối mùa nắng.
- Trong vườn nên trồng cỏ (cách gốc 50 cm) để giúp đất thông thoáng.
- Thăm vườn thường xuyên để phát hiện bệnh sớm, cắt bỏ những cành bị vàng, rễ theo hình đối chiếu.
- Rải thuốc trừ tuyến trùng hoặc rệp sáp nếu có quanh rễ (sử dụng Regent, Basudin, Mashal, Bop..).
- Xới nhẹ xung quanh gốc và tưới thuốc Metalaxyl, Mancozeb, Agrifos 400 hoặc Validamycin 5% + VIỆT LONG + MX-774 HUMIC khi có bệnh xuất hiện, tưới liên tục 2-3 đợt cách nhau 10 ngày 1 đợt.
- Phun trên lá thì dùng Aliette, Rovral, Ridomil Gold + MX5 hoặc MX-TĂNG TRƯỞNG để kích nhú dàn đọt non và giảm bớt tác động ức chế của etylen từ nấm Fusarium. Định kỳ 5-7 ngày phun 1 lần cho đến khi cây đứng bệnh, nhú đọt mới. Thông thường liệu pháp kéo dài từ 1-2 tháng tùy vào mức độ nhiễm bệnh của cây. Cần chú ý hy sinh bỏ bớt hoa trái để dưỡng sức cho cây phục hồi nhanh.
- Bón nhiều phân hữu cơ để cải thiện đặc tính đất kết hợp với cung cấp nấm đối kháng Trichoderma thông qua việc dùng phân vi sinh chứa Trichoderma, tăng cường hoạt động của các vi sinh vật trong đất và chỉ sử dụng Trichoderma sau khi xử lý thuốc đợt cuối 15-20 ngày.
Chúc bà con thực hiện thành công!