Bạn đang ở đây

Quản lý giá sữa: Bảo đảm minh bạch vì người tiêu dùng - Kỳ II: Quản lý từ “gốc”

07/04/2017 07:53:26

Giám sát giá bán của doanh nghiệp

Hiện tại có tới 100 doanh nghiệp (DN) với trên hàng nghìn nhãn hiệu sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi cần kê khai giá. Theo các chuyên gia, việc giám sát kê khai giá này không đơn giản, buộc cơ quan quản lý phải kiểm soát các yếu tố hình thành giá sữa từ chi phí nhập khẩu, sản xuất lưu thông trong nước đến các loại thuế, chính sách về tiền lương, khấu hao, tỷ giá...

Giải đáp băn khoăn này, ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho biết, để kiểm soát tốt những yếu tố cấu thành giá sữa, Bộ Công Thương đề xuất gắn trách nhiệm của DN nhập khẩu, sản xuất với giá thành cuối cùng của sản phẩm. “Điều đó có nghĩa không một cửa hàng, điểm bán nào được bán giá vượt mức DN đã kê khai hoặc đăng ký. Nếu trường hợp các DN sữa câu kết với nhau tiết giảm nguồn cung để đẩy giá, chúng ta không quá lo ngại vì đã có Luật Cạnh tranh và Luật Giá” - ông Quyền nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm trên, một chuyên gia kinh tế cũng đưa ra nhận định, mỗi hãng sữa đều chịu áp lực mở rộng thị trường, tăng trưởng doanh số. Việc bắt tay tăng giá sẽ khiến người tiêu dùng (NTD) không lựa chọn sản phẩm, chuyển sang dùng các loại sữa xách tay. Như vậy, DN sẽ chỉ thiệt hơn, chưa kể cơ quan quản lý có thể áp dụng giá tham chiếu khi phát hiện các hành vi bắt tay nhau tăng giá hoặc làm giá. Ông Võ Văn Quyền khẳng định, với phương thức quản lý này sẽ giúp truy xuất nguồn gốc hàng hóa, kiểm soát chất lượng, giá cả; đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của DN khi có vi phạm.

Các DN sản xuất và đại lý kinh doanh sữa cũng đồng tình với việc DN tự kê khai giá. Được biết, đến thời điểm này đã có 8 đơn vị thực hiện việc đăng ký, kê khai, thông báo giá sữa và thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi, bao gồm: Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam; Công ty Nestlé Việt Nam; Công ty TNHH Dinh Dưỡng 3A (Việt Nam); Công ty Mead Johson Nutritions Việt Nam; Công ty Cổ phần Sóng Thần Hà Nội; Công ty TNHH phân phối Tiên Tiến; Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) và Công ty Cổ phần thực phẩm dinh dưỡng Nutifood. 

Giải pháp căn cơ

Theo PGS. TS - chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, với việc gỡ bỏ trần giá sữa, NTD sẽ được lợi bởi thị trường sữa sẽ phát triển lành mạnh, sòng phẳng hơn, DN được quyền tự quyết giá bán và không cần phải tìm cách “lách” cơ quan quản lý như khi bị áp giá trần. Thị trường sữa cũng sẽ bước vào cuộc đua giá để giành thị phần, giành sự tin yêu của NTD, buộc DN cạnh tranh lành mạnh, phấn đấu tăng năng lực, hạ giá thành. “Đây là cuộc chiến mà NTD có lợi” - ông Long nói.

Ông Vũ Ngọc Quỳnh - Tổng Thư ký Hiệp hội Sữa Việt Nam - bày tỏ, sau khi bỏ giá trần, Bộ Công Thương cần quản lý tốt giá sữa, như vậy vừa có thể bảo vệ quyền lợi NTD vừa thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước.

Để Chính phủ sớm đi đến quyết định bỏ áp trần giá sữa với mặt hàng này, DN sản xuất, kinh doanh sữa cũng phải nỗ lực xây dựng chiến lược giá minh bạch, hợp lý để xác định mức giá tối đa cho sản phẩm của mình chuẩn bị đưa ra thị trường. Nói cách khác, cần phải tạo ra một thị trường cạnh tranh lành mạnh để NTD có quyền lựa chọn sữa rẻ và chất lượng - đó mới là biện pháp căn cơ và hiệu quả để quản lý giá sữa hiện nay.

Như vậy, NTD Việt Nam hoàn toàn có quyền kỳ vọng vào một trị trường sữa cạnh tranh lành mạnh, trẻ em được sử dụng sản phẩm chất lượng với giá hợp lý và được nhà nước can thiệp bình ổn giá kịp thời khi có biến động thị trường.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh:

Việc xây dựng cơ chế quản lý giá sữa phải dựa trên cơ sở pháp lý để tránh xung đột giữa các đối tượng liên quan, trong đó quan trọng nhất là phải bảo đảm đúng mục tiêu đem lại lợi ích tốt nhất cho đối tượng sử dụng - trẻ em dưới 6 tuổi.