Những nỗ lực lớn
Trước vấn nạn mất vệ sinh an toàn thực phẩm, Công ty Cổ phần (CP) Đầu tư - Nghiên cứu và Xuất khẩu gạo (ITA RICE) đã phối hợp cùng các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước nghiên cứu, sản xuất ra sản phẩm gạo sạch đạt chuẩn nông nghiệp quốc tế Global GAP. Nhờ sự đầu tư mạnh, cuối năm 2016, gạo ITA RICE đã được vinh danh là “Thương hiệu danh tiếng Đông Nam Á”. Các sản phẩm gạo sạch ITA RICE đang được người tiêu dùng tin cậy, đánh giá cao, lượng tiêu thụ tốt.
Với trang trại 220ha tại Đà Lạt, Công ty CP Chè Cầu Đất - Đà Lạt sản xuất chủ yếu là trà, cà phê và nông sản sấy khô. Hiện, doanh nghiệp (DN) có tới hơn 20 sản phẩm với lượng XK hàng năm từ 65 - 70 tấn sang các nước như: Nhật Bản, Trung Quốc và Philippines. Tuy nhiên, trong năm 2017, DN này xác định sẽ tập trung vào thị trường nội địa với quy hoạch tiêu thụ tới 70% sản phẩm làm ra ở trong nước.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), thay vì chú tâm cho XK, những năm gần đây, nhiều DN trong ngành như: Công ty CP Mỹ thuật Gia Long, Công ty Mifaco… đã nỗ lực xây dựng các chi nhánh và tận dụng kênh online để thúc đẩy bán hàng trong nước. Nguyên nhân bởi phần lớn DN gỗ Việt Nam có quy mô nhỏ, nên việc chỉ chú tâm tìm đơn hàng XK sẽ dễ khiến DN gặp rủi ro. Với hơn 90 triệu dân, thị trường nội địa không chỉ nhiều tiềm năng mà còn giúp DN an toàn hơn trong đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Những ví dụ trên cho thấy, thị trường trong nước đang được nhiều DN và hiệp hội các ngành hàng nông sản coi là mục tiêu chinh phục. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hiện mỗi năm, thị trường nội địa tiêu thụ hơn 12 triệu tấn gạo, gấp 2 - 3 lượng gạo XK. Trong bối cảnh XK gạo khó khăn, năm 2017, các DN sẽ chú trọng nhiều hơn đến thị trường nội địa. Cùng với mặt hàng gạo, Cục Chế biến Nông - lâm - thủy sản và Nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, thủy sản cho thị trường nội địa còn nhiều tiềm năng để phát triển khi sản lượng tiêu thụ những năm gần đây tăng trung bình 7%/năm, giá trị tiêu thụ cũng tăng xấp xỉ 14%/năm...
Đầu tư sâu hơn
Dù có nhiều tiềm năng, nhưng theo các chuyên gia, chinh phục thị trường nội địa không hề dễ. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định, để chinh phục thị trường nội địa, với các sản phẩm như gạo, thủy sản, chè…, DN cần quan tâm chú ý phát triển các thương hiệu nông sản sạch.
Để làm được điều này, theo VFA, các địa phương cần tham gia giúp tổ chức hệ thống sản xuất lúa gạo như hệ thống canh tác, làm nền tảng tiến tới sản xuất hàng hóa lớn theo VietGAP; giúp nông dân sản xuất lúa sử dụng giống xác nhận từ 60 - 70% trở lên; hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, kết nối hậu cần logistics…
Với ngành hàng thủy sản, năm nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với các bộ, ngành, hiệp hội tổ chức hội chợ chuyên về cá tra tại Hà Nội, nhằm tăng cường giới thiệu, xúc tiến thương mại các sản phẩm cá da trơn tới người tiêu dùng trong nước. Đồng thời, phối hợp với Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối trong nước.
Ông Nguyễn Tôn Quyền - Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam - cho hay, bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm, DN cần chú ý hơn đến khâu quảng bá để sản phẩm được người tiêu dùng biết đến.
Năm 2017, cả 2 hiệp hội gạo và thủy sản đưa ra mục tiêu nội địa là thị trường cần phải khai thác, thay vì chỉ lo tìm kiếm thị trường XK. Các hiệp hội khác như gỗ, chè… cũng đang khuyến cáo DN có các giải pháp chiếm lĩnh tốt hơn thị trường nội địa. |