Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, một khi mặt hàng này tăng sẽ dẫn đến hàng loạt các mặt hàng khác tăng giá, tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống, sinh hoạt của người dân.
Việc Bộ Tài chính đề xuất nâng khung thuế bảo vệ môi trường (BVMT) với xăng lên tối đa 8.000 đồng/lít thời gian qua đang gây ra những phản ứng từ phía doanh nghiệp và người dân. Nhiều người lo ngại rằng, một lít xăng bán ra có thể phải “cõng” nhiều loại thuế, phí. Điều này sẽ làm giá xăng, dầu tăng mạnh, kéo theo sự leo thang về giá của nhiều mặt hàng, tạo gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp.
Mới đây, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế BVMT, trong đó mặt hàng xăng, dầu dự kiến sẽ chịu thuế BVMT tối đa là 8.000 đồng/lít. Cụ thể, đối với xăng (trừ xăng ethanol), mức thuế dự kiến sẽ tăng từ 1.000 - 4.000 đồng/lít hiện nay lên mức 3.000 - 8.000 đồng/lít; đối với dầu diesel sẽ lên mức 3.000 - 6.000 đồng/lít thay vì 500 - 2.000 đồng như hiện hành; mỗi kilôgam dầu ma-dút cũng có thể tăng tối đa gấp 3 lần hiện nay…
Bộ Tài chính cho rằng, tăng thuế BVMT phù hợp với lộ trình dài bù đắp cho phần thuế nhập khẩu phải cắt giảm dần theo cam kết của các hiệp định thương mại quốc tế, tránh ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, ngoài thuế BVMT, mặt hàng này hiện đang “cõng” thêm nhiều loại thuế khác như: thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt và các loại phí… tính ra chiếm khoảng 50% giá thành xăng, dầu. Do đó, việc tăng thêm thuế BVMT tới đây có thể dẫn đến giá xăng, dầu tăng mạnh, kéo theo sự tăng giá của hàng loạt mặt hàng khác từ chi phí sản xuất cho đến lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng…
Ông Phạm Duy Đốc - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải thủy bộ Yên Bái cho rằng: “Bình thường xăng dầu đã chịu nhiều thuế, phí và ngay cả thuế BVMT lên đến 3.000 đồng trên 17.500 đồng một lít xăng cũng đã là rất cao, nếu tăng đến kịch khung 8.000 đồng thì giá xăng sẽ lên đến đâu. Hiện nay, xăng, dầu chiếm khoảng 40% giá thành cước vận tải. Nếu giá xăng, dầu tăng thì chúng tôi cũng phải điều chỉnh giá cước tăng theo”.
Thực tế cho thấy, vào tháng 5/2015, thuế BVMT tăng từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít đã gây ra tác động mạnh. Khi bắt đầu áp dụng tăng thuế từ tháng 5/2015 thì đến tháng 7/2015 giá xăng bắt đầu tăng, kéo theo một loạt các mặt hàng tăng giá. Bà Nguyễn Thị Việt bán thực phẩm tại chợ Yên Thịnh, thành phố Yên Bái lo ngại: “Xăng chưa tăng thì mọi thứ đã tăng rồi. Từ rau, củ, quả cho đến gạo, dầu ăn, nước mắm… đều tăng. Mỗi thứ tăng một ít nhưng cộng lại cũng ngót nghét hàng triệu đồng/tháng”.
Nhiều người lo ngại giá xăng, dầu tăng sẽ dẫn tới sự leo thang của các mặt hàng khác.
Cũng lo ngại về sự leo thang của các mặt hàng, anh Nguyễn Anh Tuấn, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái cho biết: “Đặc thù công việc nên hàng tuần, tôi đều phải đi Hà Nội, Lào Cai, Phú Thọ… Mỗi tháng tính ra phải hết hơn 2 triệu đồng tiền dầu. Đề xuất tăng thuế BVMT như hiện nay thì chi phí chắc chắn sẽ bị đội lên, người lao động như chúng tôi phải làm thế nào”.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, thuế BVMT cần dựa trên tỷ lệ giá bán nhưng Bộ Tài chính đưa ra con số tuyệt đối dù giá tăng hoặc giảm thì vẫn thu một mức cố định. Trường hợp giá bán lẻ xăng, dầu giảm mà thuế vẫn thu ở mức tuyệt đối như vậy là thiệt thòi cho người tiêu dùng. Thuế là một trong những yếu tố cấu thành giá nên khi thuế tuyệt đối cố định tăng thì giá sẽ tăng. Nếu cứ cho rằng, do thuế nhập khẩu giảm nên phải bù nhưng tăng lên tới 8.000 đồng/lít, tính ra tổng cộng các thuế, phí chiếm đến gần 80% giá xăng dầu thì sẽ không thuyết phục.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nếu chi phí tăng lên thì sẽ hạn chế cạnh tranh và là rào cản đối với các doanh nghiệp. Thu nhập người dân còn thấp thì những yếu tố đó sẽ tác động tới sản xuất và tiêu dùng.
Có thể nói, nếu để tăng thu cho ngân sách nhà nước thì có lẽ không nên chỉ có tăng thu vào thuế BVMT với xăng, dầu. Bởi đây là mặt hàng thiết yếu, một khi mặt hàng này tăng sẽ dẫn đến hàng loạt các mặt hàng khác tăng giá, tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống, sinh hoạt của người dân.
Vì vậy, trước mắt các ngành có liên quan cần phải nghiên cứu, đánh giá tác động về kinh tế - xã hội đối với phương án nâng mức sàn, mức trần biểu khung thuế của xăng, dầu trong dự thảo. Đồng thời, cần lựa chọn mức tăng, xây dựng một lộ trình phù hợp để tránh tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Bên cạnh đó, ngành chức năng cần minh bạch nguồn thu chi từ thuế BVMT để người dân giám sát, bảo đảm tiền thuế được sử dụng đúng mục đích.
Theo YBĐT