Bạn đang ở đây

Một số thông tin cho người tiêu dùng về mũ bảo hiểm đạt chuẩn và quy định mới về kinh doanh mũ bảo hiểm

07/12/2016 08:20:26

Việc sử dụng mũ bảo hiểm là quy định bắt buộc đồng thời cũng là để đảm bảo an toàn cho mỗi người khi tham gia giao thông. Mặc dù nghị định xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ và đường sắt chỉ quy định xử phạt trong trường hợp người điều khiển, người ngồi trên xe không đội mũ bảo hiểm hoặc không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông, tuy nhiên mỗi người, hãy vì sự an toàn của bản thân hãy tự trang bị cho mình mũ bảo hiểm đạt chuẩn. Như vậy, câu hỏi đặt ra rằng, như thế nào thì được gọi là mũ bảo hiểm đạt chuẩn?

Mũ bảo hiểm đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng phải đáp ứng được các điều kiện sau. Thứ nhất, mũ phải cấu tạo đủ ba bộ phận: Vỏ mũ,  đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ (đệm bảo vệ) và quai đeo. Kiểu dáng mũ theo quy định tai QCVN 2:2008/BKHCN, trong đó có ba loại là: Mũ che nửa đầu; mũ che cả đầu, tai; mũ che cả đầu, tai và hàm. Trường hợp mũ có lưỡi trai mềm gắn liền với vỏ mũ hoặc lưỡi trai rời tháo lắp được thì độ dài của lưỡi trai tính từ điểm kết nối với vỏ mũ đến đểm xa nhất của lưỡi trai không quá 70mm và góc nghiêng của lưỡi trai không làm ảnh hưởng đến góc nhìn. Trường hợp mũ có lưỡi trai cứng gắn liền vỏ mũ thì độ dài của lưỡi trai cứng tính đến điểm kết nối với vỏ mũ đến điểm xa nhất của lưỡi trai không được lớn hơn 50mm và góc nghiêng của lưỡi trai không được ảnh hưởng đến góc nhìn. Trường hợp mũ có vành cứng xung quanh thì không được nhô quá 20mm. Mũ phải được chứng nhận hợp quy, được gắn dấu hợp quy CR và được ghi nhãn hàng hóa theo quy định. Nhãn của mũ sản xuất trong nước tối thiểu phải bảo đảm các thông tin: Tên sản phẩm phải có cụm từ “Mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy”, tên địa chỉ cơ sở sản xuất, cỡ mũ, năm tháng sản xuất. Nhãn của mũ nhập khẩu tối thiểu phải có cụm từ “Mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy”, tên, địa chỉ tổ chức hoặc cá nhân nhập khẩu và phân phối, xuất xứ hàng hóa, cỡ mũ , năm tháng sản xuất.

Như vậy, người tiêu dùng rất dễ dàng để nhận biết mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng khi lựa chọn sản phẩm trên. Ngoài ra, để tăng cường công tác quản lý trong việc kinh doanh mũ bảo hiểm, hiện Chính Phủ đã ban hành Nghị định số 87/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 về điều kiện kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy. Theo đó, quy định chi tiết về điều kiện sản xuất, nhập khẩu, phân phối mũ bảo hiểm xe mô tô, xe máy. Doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mũ bảo hiểm do Bộ Khoa học và công nghệ cấp. Doanh nghiệp nhập khẩu mũ bảo hiểm phải thực hiện các biện pháp quản lý chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với mũ bảo hiểm nhập khẩu trước khi thông quan. Về việc phân phối mũ, Nghị định 87/2016 quy định rõ điều kiện phân phối: Là doanh nghiệp thành lập theo quy định của pháp luật.

Nguồn: Phòng QLTM