Bà Lê Thanh Thủy - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Sở Công Thương Thái Nguyên - cho biết, ngoài những mục đích quan trọng nói trên, Ban tổ chức kỳ vọng, hội chợ triển lãm lần này cũng sẽ là cầu nối hiệu quả, kênh xúc tiến thương mại quan trọng tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh và trong nước tham gia quảng bá thương hiệu, giao lưu, hợp tác, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của sản phẩm.
“Đặc biệt, hội chợ sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy hoàn thành một số tiêu chí về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên với định hướng phát triển sản phẩm nội sinh và gia tăng giá trị hàng hóa của mỗi địa phương trong tỉnh” - Bà Thủy nói và cho biết, với mục tiêu và định hướng đó, hội chợ triển lãm có quy mô khá lớn và thu hút được sự quan tâm đặc biệt với trên 200 trưng bày của các sở, ngành, hội, hiệp hội, UBND các huyện, thành, thị, xã, phường, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, cùng khoảng 40 gian trưng bày của gần 20 trung tâm XTTM, trung tâm khuyến công các tỉnh, thành trong cả nước tham gia.
Để đạt được những mục tiêu đề ra, theo bà Lê Thanh Thủy, Ban tổ chức đã xây dựng bộ tiêu chí chi tiết và tương đối khắt khe đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh tham gia hội chợ triển lãm. Theo đó, các sản phẩm, dịch vụ tham gia trưng bày, giới thiệu và trao đổi tại hội chợ lần này phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo số lượng, chất lượng.
“Hành vi đưa hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ và các mặt hàng cấm lưu thông vào hội chợ sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định”, bà Thủy khẳng định.
Ngoài ra, thông qua hoạt động giới thiệu sản phẩm, trực tiếp tiếp nhận ý kiến phản hồi của khách hàng đối với các sản phẩm, hàng hóa, các địa phương sẽ có điều kiện đánh giá ưu, nhược điểm và so sánh lợi thế cạnh tranh của sản phẩm địa phương mình với sản phẩm của các địa phương khác để tiếp tục cải tiến, đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của thị trường.
Ngoài hoạt động trưng bày, giới thiệu, trong khuôn khổ hội chợ triển lãm còn có hội thảo “Nâng cao lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm địa phương” với sự tham gia của nhiều diễn giả đến từ các cơ quan, doanh nghiệp trong cả nước.
Trọng tâm thảo luận là cách thức và giải pháp lựa chọn sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh của các địa phương để xây dựng chương trình, kế hoạch đầu tư tập trung, chuyên môn hóa, đồng bộ hóa từ quy trình sản xuất, công nghệ chế biến, bảo quản đến phương thức đóng gói, bao bì, nhãn mác và hình thành kênh phân phối. Căn cứ vào đó, các địa phương sẽ xác định hướng sản xuất đối với những sản phẩm đã được lựa chọn, đưa sản phẩm trở thành hàng hóa chủ lực, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của địa phương, góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân. Hội thảo cũng sẽ tập trung thảo luận vấn đề nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường của các sản phẩm chủ lực đã được lựa chọn.
“Hội chợ triển lãm “Mỗi xã, phường một sản phẩm, Thái Nguyên 2016” và Hội thảo “Nâng cao lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm địa phương” thể hiện vai trò của cơ quan nhà nước và các đơn vị có liên quan trong nỗ lực thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển bền vững” bà Thủy khẳng định.
Được biết hội chợ triển lãm sẽ diễn ra từ 5 đến 11/11.
Hiện toàn tỉnh Thái Nguyên có 196 làng nghề với trên 14 nghìn hộ, trên 26,7 nghìn lao động, trong đó có 174 làng nghề chè, 10 làng nghề chế biến nông, lâm sản, thực phẩm, 5 làng nghề gỗ mỹ nghệ, mộc dân dụng, 4 làng nghề mây tre đan, 1 làng nghề trồng dâu nuôi tằm, 2 làng nghề trồng đào, sinh vật cảnh.... Đây sẽ là những nhân tố quan trọng trong định hướng lựa chọn, đầu tư để hình thành những vùng sản xuất có tính chuyên môn hóa cao, hình thành những sản phẩm riêng có của mỗi xã, phường trong thời gian tới. |
Nguồn: Báo Công Thương