Tính đến thời điểm này, mọi khâu chuẩn bị cho mùa bán hàng cuối năm đã hoàn tất. Điều mà các doanh nghiệp (DN) lo lắng nhất lúc này là giá bán và thời điểm tung hàng ra thị trường sao cho hiệu quả nhất.
Phải “quản” được nguồn hàng
Theo báo cáo của Sở Công Thương TP.HCM, Tết Đinh Dậu 2017, các DN TP đã chuẩn bị lượng hàng tăng 15%-20% so với kế hoạch TP giao, các mặt hàng tăng 25%-45% so với kết quả thực hiện vào dịp Tết Bính Thân 2016. Tổng cộng, hơn 17.000 tỷ đồng hàng hóa sẽ được dự trữ, sản xuất và cung ứng trong 2 tháng Tết (riêng hàng bình ổn chiếm gần 7.000 tỷ đồng).
Trong tháng Tết, TP.HCM dự kiến tiêu thụ khoảng 40 triệu lít bia, 45 triệu lít nước giải khát (tăng 30% so với tháng thường); lượng tiêu thụ bánh kẹo tăng 10%-20%, khoảng 18.000 tấn. Các DN tham gia bình ổn thị trường lương thực, thực phẩm Tết đã hoàn tất các khâu chuẩn bị, nguồn hàng dồi dào, phong phú… để đáp ứng nhu cầu mua sắm có thể tăng nhanh sau Tết Dương lịch (vì Tết Dương lịch và Âm lịch 2017 cách nhau gần 1 tháng).
Theo Sở Công Thương, dự báo giá cả hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết sẽ ổn định, khó xảy ra tình trạng đột biến về giá, bảo đảm cân đối cung cầu và bình ổn thị trường. Nhiều nhóm hàng như thịt gia cầm, đường, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, thịt gia súc, dầu ăn, gạo… được chuẩn bị với sản lượng lớn, chi phối 35%-52% nhu cầu thị trường.
Tại buổi làm việc với các sở, ngành chức năng về kế hoạch chuẩn bị hàng Tết Đinh Dậu 2017 trên địa bàn mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM - Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu các DN gia tăng bán hàng lưu động và giảm giá mạnh cho người dân ngoại thành, khu lưu trú công nhân, sinh viên. Quan trọng hơn, phải nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; 100% mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết phải là hàng sạch hoặc ít nhất có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Phó chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến cũng yêu cầu Sở Công Thương có kế hoạch mời gọi, tạo điều kiện cho các DN, HTX sản xuất nông sản sạch đưa sản phẩm vào các hệ thống phân phối để gia tăng sự lựa chọn cho người tiêu dùng.
Nhìn nhau… giữ giá
Trong khi đó, các DN sản xuất hàng tiêu dùng cho biết từ đầu năm đến nay, sức mua thị trường tăng nhẹ nhưng vẫn ở mức thấp. Cộng với sức ép cạnh tranh từ hàng hóa nhập khẩu - đặc biệt là bánh kẹo, thực phẩm chế biến, nước giải khát… từ các nước, nhất là Thái Lan - khiến nhiều DN dè dặt trong việc công bố thông tin hàng Tết.
Giá đường, giá hầu hết nguyên liệu sản xuất và giá xăng dầu tăng liên tục trong thời gian qua ảnh hưởng nhiều đến cơ cấu giá thành. Vì thế, từ giữa năm, DN đã có kế hoạch chuẩn bị nguyên liệu, tiết kiệm chi phí sản xuất… để chủ động sản xuất - kinh doanh.
Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Sài Gòn Food, dự đoán sức mua thị trường cuối năm nay sẽ tăng khá hơn. Do vậy, Sài Gòn Food cũng tăng nhẹ sản lượng cung ứng nhưng không có kế hoạch tăng giá - nếu tăng thì chỉ với vài mặt hàng có biến động giá đầu vào quá cao. “Thị trường quá căng thẳng, người bán tăng nhanh trong khi người mua có xu hướng chuyển hướng tiêu dùng sang chơi Tết nhiều hơn ăn Tết. Vì thế, DN phải tính toán kỹ, không những không dám tăng giá mà còn phải phối hợp với các siêu thị làm chương trình khuyến mãi để bán hàng” - bà Lâm cho biết.
Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Công ty Nước mắm Tân Quang Minh, cho rằng vì sức mua thị trường vẫn trì trệ, tăng trưởng tiêu dùng thấp, cạnh tranh ngày càng gay gắt nên công ty không tính tới chuyện tăng giá mà tập trung mở rộng thị trường thông qua hệ thống đại lý, tăng độ phủ ở thị trường miền Trung, miền Bắc để đẩy doanh số.
Các DN sản xuất bánh kẹo lớn cũng cho biết đã chủ động nguồn nguyên liệu từ rất sớm nên sẽ hạn chế tăng giá và đẩy mạnh khâu phân phối, kết hợp với các nhà bán lẻ, hệ thống đại lý “đẩy” hàng ra thị trường với số lượng dự kiến tăng khoảng 10%-20% so với Tết 2016.
So với các DN sản xuất - kinh doanh, bài toán cạnh tranh mùa Tết của các DN phân phối bán lẻ càng căng thẳng hơn. Đến nay, các nhà bán lẻ tại TP.HCM như Co.opmart, Big C, Lotte Mart, Vinmart… vẫn chưa công bố kế hoạch kinh doanh cuối năm của mình. Các nhà bán lẻ không chỉ so kè nhau về hàng hóa, giá cả mà còn đang theo sát nhau về các chương trình khuyến mãi, các giá trị gia tăng cho khách mua hàng. Vì vậy, theo các DN, dịp Tết Dương lịch và Tết Âm lịch 2017, người tiêu dùng TP.HCM sẽ thỏa sức mua sắm, “ngập” trong các chương trình khuyến mãi mà không lo giá cả tăng vọt.
Hơn 1.500 đợt khuyến mãi Tết
Sở Công Thương TP.HCM vừa có buổi làm việc với các DN, nhà phân phối trên địa bàn về việc tổ chức các chương trình khuyến mãi, kích cầu mua sắm. Theo đó, đã có hơn 1.500 đợt khuyến mãi với tổng giá trị khoảng 1.200 tỷ đồng được DN đăng ký thực hiện trong tháng cận Tết, tập trung ở các mặt hàng nước giải khát, bánh kẹo, mứt, quần áo… Các mặt hàng bình ổn sẽ có giá giảm sâu, như: trứng gia cầm giảm 1.000 - 2.000 đồng/chục; thịt gia cầm giảm 10%; thịt gia súc giảm 5%-10% vào 1 tháng trước Tết Nguyên đán 2017; đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến giảm 5%-7% vào 2 tuần trước Tết…
Theo Người Lao động