Bạn đang ở đây

Hội nghị Kết nối cung cầu khu vực miền Trung - Tây Nguyên 2016: Thiết thực và hiệu quả

10/10/2016 09:43:46

Đến dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Công Thương - Đỗ Thắng Hải; Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng - Hồ Kỳ Minh và đại diện các cục, vụ, trung tâm... thuộc Bộ Công Thương, các Sở ban ngành TP. Đà Nẵng và hơn 700 doanh nghiệp đại diện cho 23 Sở Công Thương đến từ 30 tỉnh thành trong cả nước. Đặc biệt có 140 nữ doanh nhân đến từ Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam.

Theo báo cáo tại hội nghị, khu vực miền Trung - Tây nguyên (KVMTTN) gồm 15 tỉnh, thành phố, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 9,5-11%.

Địa điểm kết nối cung cầu

8 tháng đầu năm 2016, sản xuất công nghiệp các tỉnh KVMTTN duy trì mức tăng trưởng khá. Một số tỉnh thành có chỉ số sản xuất công nghiệp cao như Quảng Nam 26,6%, Đắk Lắk 11,7%, Đà Nẵng 11,6%...  với những mặt hàng có sản lượng tăng khá so với cùng kỳ như tinh bột sắn (Quảng Bình, Quảng Trị, Gia Lai, Quảng Ngãi), may mặc (Phú Yên, Bình Định, Quảng Bình), bia (Khánh Hòa, Bình Định, Huế, Đắk Lắk)...

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ toàn khu vực qua 8 tháng đạt 369.204 tỷ đồng, tăng 11,5% so cùng kỳ và đạt 64,7% kế hoạch năm 2016. Trong đó một số tỉnh thành tăng trưởng cao như Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa, Gia Lai, Đắk Lắk...

Kim ngạch xuất khẩu của khu vực đạt 4.460 triệu USD, tăng 6,11% so với cùng kỳ và đạt 53,4% kế hoạch năm 2016. Trong đó Đà Nẵng và Khánh Hòa là 2 đơn vị dẫn đầu có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao nhất. Những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là cà phê, cao su, tinh bột sắn, hàng dệt may, thủy sản, gỗ và dăm gỗ, sản phẩm điện, điện tử, hạt điều, giày dép... Kim ngạch nhập khẩu 8 tháng đầu năm đạt 3.973 triệu USD, tăng 6,8%, đạt 59,6% kế hoạch năm. Mặt hàng nhập khẩu chính vẫn là máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, hóa chất, sắt thép, dược phẩm, dầu thô, bao bì các loại...

DN tỉnh Thừa Thiên - Huế tham gia kết nối cung cầu

Trong kết quả tăng trưởng đó có sự đóng góp không nhỏ của Hội nghị kết nối cung cầu năm 2015 với 42 cặp biên bản kết nối được triển khai với tổng giá trị trên 320 tỷ đồng. Những mặt hàng như rau củ quả, các sản phẩm dừa, thực phẩm sấy khô, nhôm kính, bao bì, bàn ghế kim loại... và dịch vụ chuyển giao quy trình công nghệ sản xuất đạt hiệu quả thương mại cao. Bên cạnh đó, các tỉnh thành trong khu vực đã đẩy mạnh những chương trình kết nối thông qua các hội chợ, triển lãm... như Hội chợ liên kết vùng kinh tế Tây Nguyên - Gia Lai 2016, Hội chợ giao thương DN Kon Tum 2016, Hội chợ thương mại quốc tế Festival Huế, Hội chợ thương mại Quảng Bình, Hội chợ - triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực MTTN - Quảng Ngãi 2016, Hội chợ thương mại và tiêu dùng Quảng Nam, Hội chợ quốc tế đầu tư - thương mại và du lịch hành lang kinh tế Đông Tây và Hội chợ hàng Việt Đà Nẵng...

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và những nghị quyết, chương trình, kế hoạch khác của Đảng, Chính phủ, Bộ Công Thương đã thực hiện nhiều hoạt động tích cực hỗ trợ DN, tạo mọi thuận lợi cho DN đầu tư, kinh doanh và phát triển. Đặc biệt như thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thông qua việc triển khai Đề án phát triển thị trường trong nước... Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều hoạt động kết nối cung cầu, chú trọng vào công tác thúc đẩy tiêu thụ một số nông sản có sản lượng lớn, hàng công nghiệp nông thôn, hàng hóa của DN nhỏ và vừa, tăng cường hoạt động liên kết trong chuỗi cung ứng hàng Việt Nam bền vững.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng đánh giá cao việc triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, hỗ trợ DN mở rộng thị trường của nhiều Sở Công Thương KVMTTN, trong đó Sở Công Thương Đà Nẵng đã làm rất tốt vai trò đầu mối. Thứ trưởng đặt niềm tin vào các hoạt động kết nối cung cầu vì thông qua các chuỗi hoạt động này chính là điều kiện tốt nhất giúp DN giao lưu, kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng mô hình... Đồng thời phát hiện tôn vinh các DN, doanh nhân tích cực, cung ứng sản phẩm có tiềm năng, có thành tựu trong hoạt động đổi mới công nghệ và thiết bị, quản lý chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường, phát triển sản phẩm mới, phát triển thị trường trong nước và hội nhập, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ người tiêu dùng.

Qua trao đổi, nhiều đại biểu cho rằng, hoạt động kết nối cung cầu, kết nối giao thương thời gian qua rất hiệu quả - thiết thực. Thông qua các chương trình kết nối do Bộ Công Thương hay các tỉnh thành tổ chức, nhiều DN đã tìm được đầu ra cho sản phẩm, mở được nhiều thị trường mới. Thậm chí có DN còn cho rằng, lâu nay lo thị trường xuất khẩu mà “quên” sân nhà để cho một số DN nước ngoài thao túng, nay tập trung nâng cao chất lượng, mẫu mã “giành” lại được sân nhà và phát triển rất tốt. Đặc biệt, nhiều DN cho rằng, qua các cuộc tiếp xúc gần đây giữa lãnh đạo Chính phủ với DN, thấy Nhà nước gần DN, gần dân hơn. DN đặt trọn vẹn niềm tin vào Chính phủ, bộc bạch được những ý kiến của mình, không e ngại, giúp DN vững tâm hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh...

Ông Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị:

Hội nghị kết nối cung cầu rất hiệu quả, tuy nhiên tôi đề nghị gắn với hội nghị nên có một không gian mở hơn, có khu trưng bày rộng rãi để DN có thể giới thiệu sản phẩm, ngành hàng của mình; có khu vực để DN trao đổi thảo luận ký kết giao thương... Đối với hội nghị kết nối cung cầu, Bộ Công thương nên chỉ đạo, tổ chức luân phiên ở các địa phương, không những hỗ trợ DN địa phương có tiềm năng mà còn giúp địa phương đó phát huy thế mạnh của sản phẩm, nhu cầu cần mua - cần bán của mình.