Đây là hoạt động hỗ trợ kỹ thuật và là cơ hội tốt để đại diện các nền kinh tế thành viên APEC thảo luận, trao đổi kiến thức và chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình thúc đẩy hợp tác giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, nhằm mục tiêu xác định các rào cản, khó khăn đối với thương mại và đầu tư trong lĩnh vực năng lượng sạch và tái tạo từ góc nhìn đa chiều của các nhà hoạch định chính sách, các nhà đầu tư, các thể chế khu vực, quốc tế và các doanh nghiệp. Bên cạnh đó là thảo luận, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm thực tế nhằm giải quyết các rào cản, đặc biệt là hướng tới hỗ trợ năng lực xây dựng chính sách; đóng góp các khuyến nghị, chính sách, hướng hợp tác cho APEC trong thời gian tới nhằm thúc đẩy thương mại, đầu tư trong lĩnh vực năng lượng sạch và tái tạo trong và khu vực; giúp các bên tìm kiếm cơ hội hợp tác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết, với sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp sản xuất và dịch vụ trên thế giới nói chung và trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng, nhu cầu về sử dụng năng lượng đang ngày càng gia tăng mạnh mẽ nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh cũng như các nhu cầu khác về an sinh xã hội. Trong khi nhu cầu tiêu dùng năng lượng của nhân loại là vô hạn thì các nguồn tài nguyên thiên nhiên lại hữu hạn và khả năng tái sinh của chúng đòi hỏi rất dài, có khi lên tới hàng triệu năm (như than đá, dầu mỏ…).
Trong bối cảnh đó, nhằm duy trì và phát triển cuộc sống, con người phải kiếm tìm những nguồn năng lượng có khả năng tái tạo nhanh chóng hoặc ngay lập tức như: năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng nước và năng lượng sinh học v.v. Đây là những loại hình năng lượng dễ kiếm, tái tạo nhanh chóng và đặc biệt là rất sạch và bền vững, không gây nguy hại tới môi trường sinh thái. Những lý do nêu trên đã khiến năng lượng tái tạo ngày càng đóng vai trò quan trọng, không thể thiếu trong quá trình phát triển kinh tế an toàn, bền vững cũng như đảm bảo an sinh xã hội trên thế giới và tại các khu vực.
Theo nghiên cứu, tại các nền kinh tế phát triển, năng lượng tái tạo chiếm khoảng 15% trong tổng cung về năng lượng. Tuy nhiên, ở các nền kinh tế đang phát triển trong đó có Việt Nam, năng lượng tái tạo là lĩnh vực tương đối mới, chưa phát triển và chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn trong tổng cung năng lượng của nền kinh tế. Nguyên nhân của tình trạng này là do đa số nền kinh tế đang phát triển trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đều có chung đặc điểm là sự thiếu và yếu của cơ sở hạ tầng và kiến thức chuyên môn, sự nghèo nàn về kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình quản lý và vận hành bộ máy hoạt động, sự hạn chế của nguồn lực đặc biệt là nguồn lực về công nghệ và tái chính. Thực tế này đã và đang đặt ra nhiều thách thức cho các thành viên APEC đang phát triển trong quá trình thúc đẩy thương mại, đầu tư trong lĩnh vực này.
Mục tiêu chung của hợp tác APEC trong lĩnh vực năng lượng là nhằm hướng tới giảm 45% cường độ sử dụng năng lượng trong khu vực vào năm 2035 và tăng gấp đôi tỷ lệ các loại hình năng lượng tái tạo trong tổng số năng lượng chung trong APEC vào năm 2030 theo chỉ đạo của các nhà lãnh đạo APEC tại Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 22 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Theo đó, những năm gần đây, APEC đã và đang triển khai nhiều hoạt động hợp tác sôi nổi, thiết thực và hiệu quả, hướng tới mục tiêu xác định và tháo gỡ các rào cản không cần thiết về thương mại và đầu tư trong khu vực, phát huy các cơ chế đầu tư thông thoáng, minh bạch và công bằng trong lĩnh vực này, đặc biệt là năng lượng tái tạo phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.
Thực tế cho thấy, để thiết lập được môi trường thương mại, đầu tư công bằng, minh bạch, hiệu quả và hướng tới lợi ích chung của toàn khu vực, bản thân các Chính phủ gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng và phát triển lĩnh vực này, nếu không có sự hợp tác và hỗ trợ tích cực của khu vực tư nhân. Theo nhiều ý kiến, trong trường hợp này, Chính phủ cần lắng nghe quan điểm, ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp để có thể xác định và giải quyết các rào cản đối với việc phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo và xây dựng những chính sách hợp lý, hài hòa trong tương lai.
Theo đó tại cuộc đối thoại này, các học giả, các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và tổ chức, hiệp hội trong và ngoài khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã thảo luận và đưa ra nhiều sáng kiến, khuyến nghị thực sự có ý nghĩa nhằm tối đa hóa hiệu quả của hợp tác chính sách thông qua việc xác định những rào cản đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo và đề xuất các giải pháp cho hợp tác APEC trong thời gian tới. Kết quả của đối thoại sẽ được báo cáo lên các diễn đàn liên quan của APEC nhằm sớm biến định hướng chính sách thành hiện thực.