Đừng để con voi chui qua lỗ kim!
Đầu tuần, báo Lao động số 177, ra ngày 01/8/2016 trực tiếp bàn luận đến vấn nạn hàng giả thông qua bài viết có nhan đề khá ấn tượng: "Quyết chiến với hàng giả: Đừng để con voi chui qua lỗ kim!"
Vấn nạn hàng giả, hàng nhái, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (gọi chung là hàng giả) đang ngày càng diễn biến tinh vi. Về định tính, ai cũng biết tác hại của buôn lậu là khôn lường. Nó gặm nhấm uy tín, thành quả của nền sản xuất chân chính, nản lòng nhà đầu tư nước ngoài, tổn hại đến quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng. Tuy nhiên, có chống được buôn lậu (BL) hay không lại là bài toán khác.
Cuộc chiến chống hàng giả rất gay go. Chế tài ken dày sin sít, hẹp như lỗ kim mà con voi chui lọt. Lực lượng chức năng giăng khắp nơi chốn, song có khi hàng giả ngạo nghễ qua mặt như qua chỗ không người. Nhỏ to rằng có “nội gián”, tiếp tay từ vài cá nhân thoái hoá trong lực lượng chức năng, song tìm ra là kẻ nào thì như đáy bể tìm kim. Hang ổ không nằm ở trên trời, dưới âm ty, mà ngay tại bản địa vậy mà khi phát hiện thì giới chức sở tại cứ thản nhiên: Chưa được nghe… báo cáo!. Cuộc chiến càng gay go gấp bội bởi ta có láng giềng là “thiên đường” làm hàng giả, “cường quốc” bắt chước, bao năm nay đổ cả núi hàng giả vào ta. Cũng lại có oái oăm tưởng như vô lý nhưng có thật là có doanh nghiệp ngại đưa tin hàng của mình bị làm giả, sợ người tiêu dùng nghi ngại, xa lánh hàng thật của chính nhãn hiệu đó. Bọn đầu sỏ chưa bị tóm hết. Hang ổ chưa bị triệt phá hoàn toàn. Kẻ bị bắt giữ có khi chỉ là kẻ làm thuê, phu khuân vác. Cuộc chống hàng giả gần như khó có hồi kết, hành vi ngày càng tinh vi, xảo quyệt, không chỉ diễn ra ở địa bàn nhạy cảm, thời điểm nhu cầu rộ lên mà tràn lan, quanh năm. Có lúc nản lòng, buông xuôi tưởng như phải sống chung với hàng giả!. Xác định cuộc chiến này phải trường kỳ, trong khi xuất hiện tình huống chín muồi cần chớp thời cơ tổng phản công, cất vó.
Chưa bao giờ cạn quyết tâm từ các cấp ngành, trong chỉ đạo. Cũng chưa khi nào lực lượng chức năng nhụt ý chí, vẫn liên minh, hăng hái ra quân. Đấy là điều không thể khác được. Muốn phát triển bền vững phải làm lành mạnh thị trường để hội nhập, nên dù khó mấy cũng phải ra tay triệt phá nạn hàng giả. Điều đó được thể hiện bằng quyết tâm của các cấp chính quyền, hệ thống chính trị, các lực lượng chức năng liên ngành đã dày dạn “trận mạc”, kiên quyết truy bắt, xử lý nghiêm, không sợ bảo kê, bao che, đe dọa.
Doanh nghiệp vào cuộc vừa vì thiết thân đến quyền lợi của bản thân họ, vừa vì qua lăn lộn trên thương trường họ thường nhạy bén nhận diện hàng giả và cũng không khó lần ra dấu vết hang ổ, đường dây tiêu thụ, nơi tàng trữ của nợ này. Qua lăn lộn trong việc chống hàng giả, mỗi doanh nghiệp có phương cách tác chiến thích hợp với điều kiện của mình.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: "Tập trung giải quyết những tồn tại về công tác cán bộ"
Đăng tải trên Báo điện tử Dân trí ngày 02/8/2016, tác giả Mạnh Quân đã thông tin về nội dung phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ngay sau khi Bộ trưởng được Quốc hội phê chuẩn chức danh Bộ trưởng. Trước những quan tâm của phóng viên, Bộ trưởng đã nêu rõ một số quan điểm về định hướng chỉ đạo, điều hành ngành Công Thương trong thời gian tới.
Bộ trưởng khẳng định, Bộ sẽ tập trung quyết liệt xây dựng bộ máy tổ chức, hoàn thiện chức năng nhiệm vụ để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và của hội nhập, đáp ứng được chủ trương, chỉ đạo của Thủ tướng gần đây về thể chế, về con người. Trước mắt, tập trung vào giải quyết những tồn tại công tác cán bộ.
Chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước phải được đẩy nhanh hơn theo hướng giảm thiểu vai trò của khối doanh nghiệp này trong tất cả lĩnh vực, trừ an ninh, quốc phòng; thúc đẩy tiến trình hội nhập, tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường mới. Bên cạnh đó, có những vấn đề phải xử lý ngay như một một số dự án không phát huy hiệu quả, có nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước, xã hội do triển khai chậm, kéo dài. Rồi phải hoàn thiện quản lý nhà nước về kinh doanh đa cấp, quản lý hóa chất, vệ sinh an toàn thực phẩm, v.v…
Khi được hỏi trách nhiệm của ngành Công Thương nếu mục tiêu mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2020 là không thể đạt được, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, là cơ quan đầu mối thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp, chắc chắn ngành Công Thương có trách nhiệm. Tuy nhiên, chưa có đánh giá cuối cùng xem đến năm 2020 mục tiêu trở thành quốc gia công nghiệp hóa đạt được đến đâu. Theo Bộ trưởng, không thể tách rời khỏi thế giới đang phát triển rất nhanh. Chúng ta không thể lấy chiến lược cách đây 20 năm để cho rằng bất biến trong bối cảnh thế giới thay đổi từng năm. Chúng ta nên nhìn với tinh thần mở, thích ứng để khai thác được cơ hội phát triển của thế giới.
Xuất gạo, lại nhập ngô khoai
Đó là một thực tế đầy mâu thuẫn đang diễn ra tại Việt Nam. Tác giả Thế Vinh đã bàn luận thêm về thực tế này quabài viết cùng tên đăng trên Thời báo Kinh doanh, thứ ba, ngày 02/8/2016.
Theo đó, mỗi năm, cả nước phải nhập khẩu trên 8 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như ngô, đậu tương, lúa mì, bột cá, bột xương… có tổng trị giá khoảng 3 tỷ USD. Đây là một nỗi buồn lớn khi vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn chưa phải là điểm mạnh ở một quốc gia nông nghiệp như Việt Nam.
Giới chuyên gia nhận định có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Sản lượng ngô trong nước liên tục tăng lên hàng năm, nhưng nhu cầu thức ăn chăn nuôi tăng còn mạnh hơn (mỗi năm cần 18 – 20 triệu tấn).
Điểm bất cập nữa là, hiện nay, giá ngô nhập khẩu còn thấp hơn giá sản xuất trong nước. Cụ thể, giá thành ngô nhập khẩu về đến Việt Nam khoảng 5.200 đồng/kg, trong khi trên thị trường Việt Nam, hạt ngô do nông dân sản xuất ra có giá bán 6.000- 6.500 đồng/kg.
Điều này được lý giải là do năng suất ngô bình quân trên thế giới đạt 9-10 tấn/ha, trong khi năng suất của Việt Nam hiện nay chỉ bằng một nửa, khoảng 4,8 tấn/ha.
Điều đáng nói, Việt Nam hoàn toàn có thể thúc đẩy những cây trồng này phát triển, giảm áp lực phụ thuộc nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, nhưng hiện nay còn tồn tại nhiều bất cập trong quản lý, tổ chức sản xuất.
Để ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi tránh phụ thuộc vào hàng nhập khẩu, giới chuyên gia khuyến nghị Nhà nước cần dành quỹ đất để trồng cây thức ăn chăn nuôi, thay dần thức ăn nhập khẩu. Đồng thời, tăng cường liên kết chuỗi sản xuất, giúp giảm chi phí trung gian, ổn định đầu vào đầu ra.
Theo ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, để chủ động nguồn nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi, Nhà nước cần quy hoạch vùng nguyên liệu ở những địa phương có lợi thế về trồng ngô, lúa, đậu tương, đồng thời cải tiến bộ giống để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.
Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN tại Lào
Bản tin Thời sự 12h, Đài Truyền hình Việt Nam ngày 03/8/2016 thông tin: sáng cùng ngày, Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN lần thứ 48 đã khai mạc tại thủ đô Vientiane, Lào.
Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN lần thứ 48 là hội nghị chính thức đầu tiên sau khi Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập vào cuối năm 2015. Trong phát biểu khai mạc, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith nhấn mạnh, tuyên bố thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015 là một dấu mốc trên đường hội nhập, đưa ASEAN trở thành một khu vực cạnh tranh hội nhập với thế giới.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều thay đổi như: việc Anh xin rút khỏi Liên minh châu Âu, kinh tế của các nước phát triển phục hồi chậm, Thủ tướng Lào đề nghị các Bộ trưởng tập trung thảo luận về các cơ chế và biện pháp thiết thực để triển khai hiệu quả Kế hoạch tổng thể kinh tế ASEAN 2025.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng Lào đưa ra 7 nội dung để các Bộ trưởng thảo luận, trong đó có việc kiên định với nguyên tắc đồng thuận trong ASEAN và đảm bảo vai trò trung tâm của ASEAN khi thỏa thuận với các đối tác; tiếp tục thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên.
Theo dự kiến, trong 3 ngày, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN sẽ thảo luận các tiêu chí xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN, đề ra kế hoạch và phương hướng trong tổ chức thực hiện Kế hoạch Cộng đồng kinh tế ASEAN 2025. Đồng thời, các Bộ trưởng cũng sẽ thảo luận với các đối tác công tác chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 28, 29 và các Hội nghị liên quan diễn ra vào đầu tháng sau tại Vientiane.
Giá xăng giảm 604 đồng/lít
Theo thông tin từ Báo Tuổi trẻ Online ngày 04/8/2016, chiều cùng ngày, Bộ Công Thương đã ra văn bản điều hành giá xăng dầu, yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đồng loạt giảm giá xăng dầu từ 371 đến 604 đồng/lít.
Cụ thể, do giá xăng dầu thế giới giảm nên Bộ Công Thương yêu cầu giảm giá Xăng RON 92 ở mức 604 đồng/lít.
Xăng E5: giảm 593 đồng/lít.
Dầu diesel 0.05S: giảm 637 đồng/lít.
Dầu hỏa: giảm 371 đồng/lít.
Dầu mazut 180CST 3.5S: giảm 378 đồng/kg.
Liên Bộ Công Thương - Tài chính cũng quyết định dừng việc xả quỹ bình ổn để hỗ trợ giá xăng dầu. Mức giá xăng dầu mới, theo Bộ Công Thương, áp dụng từ 15h ngày 4/8/2016.
Dệt may trước nguy cơ khó đạt mục tiêu xuất khẩu
Chủ nhật, ngày 07/8, báo Kinh tế & Đô thị Online thông tin: ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 31 tỷ USD trong năm nay nhưng có thể phải giảm xuống còn 29 tỷ USD cũng khó có thể đạt được.
Là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực, nhưng dệt may Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn khi tổng kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm đến nay mới đạt khoảng 13 tỷ USD, tăng khoảng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng trong 10 năm trở lại đây.
Từ nhiều tháng nay, đơn hàng dệt may giảm sút nghiêm trọng. Đại diện nhiều doanh nghiệp dệt may cho biết, lượng đơn hàng chỉ đạt bằng 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, giá xuất khẩu cũng giảm từ 10% - 20%.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, 30 - 40% doanh nghiệp chưa đủ hàng cho cuối năm. Một trong những khó khăn của ngành dệt may bắt nguồn từ chính sách giữ tỷ giá của Việt Nam ổn định, trong khi các đồng tiền khác ở những thị trường nhập khẩu chính đã điều chỉnh rất mạnh, khiến giá hàng dệt may trở nên đắt đỏ. Ngoài ra, lãi vay ngân hàng quá cao, ở mức 8% - 10%/năm, gấp từ 2 đến 4 lần so với nhiều nước. Những yếu tố này khiến hàng dệt may Việt Nam đắt hơn các nước đối thủ cạnh tranh từ 20% - 30%.
Các chuyên gia trong ngành cho rằng, các doanh nghiệp dệt may cũng cần chủ động tìm kiếm thị trường mới, thị trường ngách để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Đồng thời cần có đột phá trong việc tăng năng suất và đảm bảo quy tắc xuất xứ phù hợp quy định của Hiệp định TPP và FTA Việt Nam - EU.
Chuyển dần từ gia công sang tự chủ nguyên phụ liệu, tự thiết kế, sản xuất để gia tăng giá trị và khẳng định thương hiệu dệt may Việt Nam. Đây được xem là hướng đi có tính chiến lược cho sự phát triển của toàn ngành dệt may, nhưng để đạt được, vẫn còn rất nhiều việc phải làm.