Có thể khẳng định, sự kiện gây chấn động này sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường tài chính toàn cầu. Trước khi cuộc trưng cầu dân ý diễn ra, các “nhà cái” đưa ra tỷ lệ Anh rời EU vào khoảng 25%; tỷ lệ này thực tế đã dần giảm xuống khi càng tiến dần ngày trưng cầu và tỷ giá GBP/USD đã tăng lên mức đỉnh điểm 1,5. Cặp tỷ giá GBP/USD sẽ vẫn chịu áp lực kéo dài và có thể giảm 15-20% từ mức cao 1,5.
Quyết định ra đi của Anh góp phần minh chứng tình trạng mất cân bằng cấu trúc ở quốc gia này: Thâm hụt tài khoản vãng lai ở mức 7% GDP trong quý IV/2015 và thâm hụt ngân sách hơn 4% GDP cả năm 2015. Sự bất ổn đáng chú ý nhất liên quan đến những hiệp định thương mại và đầu tư giữa Anh và đối tác kinh tế lớn nhất - EU, chiếm đến hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của Anh và khoảng 50% tất cả nguồn FDI Anh nhận được - sẽ khiến vấn đề tài trợ những khoản thâm hụt của nước này gặp nhiều khó khăn hơn. Khi đó, đồng GBP sẽ đóng vai trò cơ chế điều chỉnh.
Trong suốt chiến dịch vận động Brexit, tỷ giá GBP/USD giao dịch trung bình ở mức thấp hơn 6% so với mức do chênh lệch lãi suất. Mức rủi ro chính trị 6% này có liên hệ đến tỷ lệ 30% khả năng rời EU. Xác suất rời EU đã thành hiện thực khiến GBP thay đổi khoảng 15% so với mức trước cuộc bầu cử, nhưng không thể loại trừ khả năng đồng GBP trượt giá mạnh.
Brexit đã gây ra hai trở ngại cho đồng EUR. Thứ nhất, sự kiện này đã dẫn đến rủi ro ảnh hưởng chính trị. Thị trường có thể tiên lượng được những cuộc trưng cầu dân ý tương tự diễn ra ở EU hay tại các quốc gia sử dụng đồng tiền chung EUR nhưng hiện đang bất mãn với EU (Cộng hòa Síp, Áo, Hy Lạp và Cộng hòa Séc). Thứ hai, lá phiếu “rời đi” cũng dẫn đến nguy cơ hoạt động kinh tế EU đi xuống. Anh có nhu cầu tiêu thụ hàng được sản xuất tại châu Âu rất lớn và là quốc gia đóng góp ròng vào ngân sách EU. Tốc độ tăng trưởng của EU vốn đã chậm lại, nay nếu nguy cơ kinh tế châu Âu suy yếu thêm nữa, Ngân hàng Trung ương châu Âu buộc phải kéo dài thời gian thực hiện chính sách “bồ câu” (thúc đẩy các chính sách tiền tệ có liên quan đến việc duy trì lãi suất thấp với lòng tin lạm phát và tác động tiêu cực này có tác động tối thiểu đến xã hội). Nếu biến động lan sang thị trường trái phiếu của các quốc gia thứ yếu, ECB có thể phải đẩy nhanh quá trình mua vào trái phiếu nhằm kiểm soát lợi nhuận. Điều này đồng nghĩa với việc EUR sẽ trở thành dấu hiệu chính của tình hình căng thẳng trên thị trường.
Tình hình bất ổn hiện nay khiến hành vi “đầu tư an toàn” (risk off) lan rộng khắp các thị trường. Theo Ngân hàng HSBC, chỉ số “Risk On -Risk Off” (RORO - đầu tư theo mức độ chấp nhận rủi ro) đã tăng cao trong vài tháng gần đây nhưng chỉ số này thậm chí có thể trở thành động lực mạnh hơn cho các biến động ngoại hối trong những tháng sắp tới. Những loại tiền tệ trong khối G10 nhạy cảm nhất đối với RORO là đô la Úc (AUD) và đô la Canada (CAD) so với đồng USD; đồng krone Na Uy (NOK) và đồng krona Thụy Điển (SEK) so với EUR. Những đồng tiền này có thể sẽ chịu áp lực mất giá lớn nhất trong khối G10.
Bên cạnh đó, tác động của lá phiếu “rời EU” nhìn chung khá tiêu cực đối với thị trường ngoại hối của những nền kinh tế mới nổi. Tình hình thị trường toàn cầu bất ổn sẽ khiến hầu hết các loại tiền tệ ở những quốc gia mới nổi chịu áp lực nặng nề trong thời điểm hiện tại. Tiền tệ ở các nước Trung và Đông Âu CEE (zloty của Ba Lan-PLN và forint của Hungary-HUF) sẽ chịu tác động lớn nhất vì các nước này có quan hệ thương mại và đầu tư mạnh mẽ với Anh và các nước khác trong khối EU. Nếu đồng CHF tiếp tục được giá do trở thành lựa chọn an toàn của các nhà đầu tư thì đồng PLN sẽ chịu áp lực lớn hơn do rủi ro về các khoản thế chấp của nước này được tính bằng đồng franc Thụy Sỹ (CHF). Hơn nữa, các đơn vị tiền tệ có rủi ro danh mục đầu tư nước ngoài lớn và sự mất cân bằng trong hoạt động kinh tế đối ngoại trên diện rộng cũng sẽ chịu nguy cơ sụt giá cao.
Những đơn vị tiền tệ có cân bằng trong hoạt động kinh tế đối ngoại mạnh mẽ hơn vẫn sẽ suy yếu so với đồng USD do tác động xấu tiếp tục lan rộng, nhưng những đồng tiền này sẽ được bù đắp nhờ vào nguồn thặng dư và tình trạng của các đồng tiền này có thể sẽ tốt hơn xét trong tương quan với những nền kinh tế mới nổi. Những đồng tiền này bao gồm những đơn vị tiền tệ ở Bắc Á như won Hàn Quốc (KRW), đô la Đài Loan (TWD), đô la Singapore (SGD) hay bath Thái (THB). Tiền tệ ở các nước Bắc Á có thể được hỗ trợ bởi sự ổn định của đồng nhân dân tệ (CNY).
Điều đáng lưu ý, tình trạng bất ổn do kết quả bỏ phiếu vừa qua sẽ khiến lực mua vàng tăng để giúp cân bằng giá. Mối liên hệ ở đây là sợi dây liên kết toàn cầu giữa vàng và những thị trường tài chính rộng lớn. Trong giai đoạn bất ổn, vàng thường là một trong số ít tài sản được đánh giá là kênh trú ẩn an toàn. Trong trường hợp dòng vốn khiến GBP và EUR yếu đi, vàng có thể sẽ là kênh đầu tư hoàn hảo. Điều này có thể sẽ có một tác động tăng giá ảnh hưởng lên vàng. Giá vàng thực tế có thể được dự báo tăng hơn 10%. Vàng không liên quan hay phụ thuộc vào bất kỳ cơ quan quản lý tiền tệ hoặc chính sách kinh tế nào; do đó sẽ gần như hoàn toàn không có những nguy cơ bị can thiệp. Nếu nhà đầu tư thật sự cho rằng việc CHF hay yên Nhật (JPY) tăng giá có thể khiến nhà nước phải can thiệp thì họ sẽ chuyển dòng đầu tư sang vàng - một danh mục đầu tư an toàn hơn.