Bạn đang ở đây

Tăng cường kết nối cung cầu hàng hóa

27/06/2016 13:47:21

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Văn Tuân- Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Bình, Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tỉnh Quảng Bình cho rằng, hội nghị là dịp để kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất với các siêu thị, trung tâm thương mại, nhà phân phối trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, đây cũng là dịp kết nối các doanh nghiệp hai tỉnh Quảng Bình và An Giang nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, đưa các sản phẩm hàng hóa của các doanh nghiệp đến với người tiêu dùng hai địa phương; xây dựng chuỗi kết nối sản xuất - phân phối - tiêu dùng để phát triển thị trường, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi đưa hàng hóa thiết yếu, hàng Việt Nam có chất lượng đến tay người tiêu dùng giúp nâng cao sức mua, bình ổn thị trường và cải thiện đời sống nhân dân.

Ông Phan Văn Thường- Giám đốc Sở Công Thương Quảng Bình- cho biết, Quảng Bình có giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 10%/năm. Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu có tốc độ tăng trưởng ổn định, chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao, đã khẳng định được thương hiệu và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường như: xi măng, bia, gạch ceramic, phân vi sinh, may mặc, dăm gỗ...

Quảng Bình còn có nhiều sản phẩm hàng hóa đặc sản, có khả năng cung cấp cho các siêu thị, chợ, thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh như: thủy hải sản tươi sống, nước mắm, ruốc, mực khô, cá khô, mật ong, bánh mè xát Tân An, khoai gieo Hải Ninh, mây tre đan, mộc mỹ nghệ, dưa hấu và rau sạch các loại.

Ngoài 177 chợ truyền thống đang hoạt động khắp trên địa bàn tỉnh, đến nay Quảng Bình đã đầu tư xây dựng và hình thành một số trung tâm thương mại, siêu thị hiện đại và tiện ích như: Siêu thị Co.op Mart Quảng Bình, Tuấn Việt, Hiếu Hằng (TP. Đồng Hới), Diến Hồng (huyện Minh Hóa); Thái Hậu, Hùng Hồng (thị xã Ba Đồn),…góp phần đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu mua sắm và tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn.

Đại diện Sở Công thương An Giang cho biết, An Giang có lợi thế sản xuất, chế biến các sản phẩm trong nông nghiệp và thuỷ sản nước ngọt. Tỉnh có lực lượng doanh nghiệp chế biến nông-lâm-thuỷ sản hùng hậu và xuất khẩu sang 139 nước trên thế giới; trong đó có 16 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo với sản lượng 600 ngàn tấn/năm, 17 doanh nghiệp thuỷ sản với năng lực xuất khẩu 150 ngàn tấn/năm. An Giang còn có 26 làng nghề với nhiều sản phẩm đa dạng về chủng loại, mẫu mã, thu hút khách du lịch như: đường Thốt Nốt, gạo Sữa, gạo Tấm Thơm, bánh Hạnh Nhân...

Hội nghị cũng đã dành thời gian để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh cũng như các doanh nghiệp, nhà phân phối tham gia đoàn giao thương của tỉnh An Giang tham quan sản phẩm của 2 bên trưng bày, giới thiệu tại hội nghị, đồng thời trao đổi kinh nghiệm, nghiên cứu sản phẩm để tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm.

Ký kết biên bản hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp Quảng Bình và doanh nghiệp An Giang

Kết thúc hội nghị, đã có 24 biên bản hợp tác và hợp tác kinh doanh được ký kết giữa hai sở; giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất với Siêu thị Co.op Mart Quảng Bình và các siêu thị, nhà phân phối trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; giữa doanh nghiệp An Giang và doanh nghiệp Quảng Bình.

Nguồn: Báo Công Thương