Đây là sự kiện hàng năm do Ủy ban châu Âu (EC) tổ chức và được coi là sự kiện kinh tế quan trọng nhất của Liên minh châu Âu (EU). Các đại biểu trên là các nhà hoạch định chính sách châu Âu, học giả, lãnh đạo doanh nghiệp nhằm thảo luận sự phát triển kinh tế của liên minh, cũng như xác định những thách thức mà EU phải đối mặt.
Chủ đề chính được thảo luận tại BEF 2016 gồm vấn đề cải cách cơ cấu nhằm thúc đẩy tăng trưởng, cách thức mà EU cần phải chuẩn bị để đối phó với đà tăng trưởng chậm trong toàn khối.
Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi cho rằng Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) hiện đang phải đối mặt với nguy cơ tổn thất lâu dài về kinh tế do tăng trưởng thấp.
Ông kêu gọi các quốc gia EU không dựa vào ECB để hỗ trợ tăng trưởng mà cần phải mau chóng tiến hành các cải cách cơ cấu nhằm tạo thêm việc làm và thúc đẩy tăng trưởng.
Ông Draghi nhấn mạnh ECB có thể kéo lạm phát xuống mức 2% trong trung hạn và đã đưa ra một loạt giải pháp chưa từng có để đạt được mục tiêu này. Biện pháp mới đây đã được khởi động hôm 7/6 vừa qua nhằm mua lại các khoản nợ của các doanh nghiệp thuộc Eurozone. Đây là một cách thức mới nhằm đem lại những nguồn tài chính đầu tư vào thị trường.
Tuy nhiên, ông Draghi cũng nhắc lại chính sách tiền tệ của ECB không đủ để thúc đẩy tăng trưởng mà tất cả những biện pháp ECB triển khai đều nằm trong bối cảnh cải cách cơ cấu.
Chủ tịch Draghi hoan nghênh những nỗ lực cải cách của Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, coi đó là những ví dụ mà các quốc gia khác cần làm theo.
Theo ông Draghi, các biện pháp Bồ Đào Nha áp dụng trong khuôn khổ chương trình điều chỉnh đã giúp quốc gia này giảm 3 bậc tỷ lệ thất nghiệp trong giai đoạn 2011-2014. Tương tự, việc cải tổ thị trường lao động Tây Ban Nha năm 2012 đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng việc làm ở nước này.
Nguồn: Báo Công Thương