Chỉ số thương mại điện tử ở mức thấp
Ông Lê Đức Anh - Chuyên viên Cục TMĐT & Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) - nhận xét: tỷ lệ TTĐT cho các đơn hàng TMĐT còn thấp. Chẳng hạn như trong ngày mua sắm trực tuyến năm 2015 đã có tới 800.000 đơn hàng với tổng giá trị 600 tỷ đồng, nhưng TTĐT chỉ chiếm hơn 3%.
Đồng quan điểm này, TS. Nguyễn Thị Nhiễu - Viện Nghiên cứu Thương mại đã dẫn số liệu của Visanet - mạng thanh toán điện tử lớn nhất thế giới hiện nay cho thấy, năm 2015, Việt Nam có chỉ số TTĐT là 37%, chỉ số này tương đương với Thái Lan, nhưng thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực như: Indonesia (45%), Malaysia (47%)... và thấp hơn nhiều so với các nước có chỉ số TTĐT cao ở châu Á như: Singapore (55%), Trung Quốc (60%), Hàn Quốc (70%)...
Nguyên nhân TTĐT chiếm tỷ lệ chưa cao là do chính các website TMĐT vẫn dùng thanh toán tiền mặt, chỉ có 53% website có chức năng đặt hàng trực tuyến và 17% website chấp nhận TTĐT. Bên cạnh đó, người tiêu dùng vẫn còn tâm lý e ngại các giải pháp bảo mật và đảm bảo an toàn thông tin cho các giao dịch TTĐT. Kết quả khảo sát của Cục TMĐT & Công nghệ thông tin cũng khẳng định, phần lớn người mua sắm sau khi đặt hàng trực tuyến vẫn lựa chọn hình thức thanh toán là tiền mặt (74%), thanh toán qua ngân hàng (chiếm 41%), thanh toán qua các website TMĐT (8%).
Hoàn thiện khung khổ pháp lý
Xét về hạ tầng TTĐT, theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, hiện có 38 ngân hàng thương mại (NHTM) tham gia phối hợp và 6 tổ chức không phải ngân hàng được phép thực hiện dịch vụ ví điện tử. Tổng lượng thẻ thanh toán đang lưu hành đạt xấp xỉ 69 triệu thẻ, trong đó thẻ quốc tế là 6,25 triệu thẻ. Đã có 67 NHTM triển khai dịch vụ thanh toán qua internet (internet banking) và 37 NHTM cung ứng các dịch vụ thanh toán qua di động (mobile banking).
Bà Hoàng Tuyết Minh - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước -NHNN) - cho rằng, với hạ tầng thanh toán như trên sẽ là cơ sở để Việt Nam hoàn toàn có thể yên tâm phát triển TMĐT. “Số lượng thẻ hoặc tài khoản cá nhân tăng qua từng năm, hiện đã tăng 200% so với năm 2010, các ngân hàng hiện nay hoàn toàn có đủ nền tảng, đủ khả năng để đảm bảo TTĐT cho người dân và DN”- bà Minh khẳng định.
Đại diện NHNN cũng cho biết thêm, thời gian tới sẽ tiếp tục đồng bộ hóa hành lang pháp lý để quản lý, giám sát, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại hình, phương tiện, hệ thống TTĐT mới phát triển, đảm bảo an ninh, an toàn và hoạt động ổn định của các hệ thống TTĐT tại Việt Nam để tập trung thúc đẩy phát triển TMĐT.
Việt Nam cần tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh khung khổ pháp lý và cơ chế, chính sách cho phát triển TTĐT; tăng cường điều phối, hợp tác chính sách phát triển dịch vụ TTĐT trong nước và quốc tế… để tạo đà phát triển TMĐT một cách hiệu quả. |
Nguồn: Báo Công Thương