Bạn đang ở đây

Văn Yên đa dạng các sản phẩm quế

07/06/2016 12:14:38

Để nâng cao vị thế, giá trị cây quế, bên cạnh việc thu hút các cơ sở, doanh nghiệp tham gia chế biến tinh dầu, sơ chế vỏ quế, huyện Văn Yên đang tập trung phát triển ngành nghề thủ công mỹ nghệ từ cây quế. Theo đó, huyện triển khai quy hoạch vùng cây nguyên liệu, tiến tới xây dựng các làng nghề tập trung gắn với đào tạo tay nghề cho lao động; quảng bá, giới thiệu về cây quế và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ quế…

Với trên 15.000 ha quế, Văn Yên là địa phương có vùng chuyên canh quế lớn nhất, nhì cả nước. Hàng năm, Văn Yên bán ra thị trường trên 7.000 tấn vỏ quế khô các loại cùng nhiều sản phẩm đa dạng từ quế, thu về 60 tỷ đồng. Nhờ đó, quế trở thành cây kinh tế mũi nhọn, giúp hàng ngàn hộ dân xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, thực tế cây quế vẫn chưa phát huy hết giá trị, tiềm năng do các sản phẩm đưa ra thị trường mới ở dạng thô, giá trị thấp. Do vậy, phát triển ngành nghề thủ công mỹ nghệ gắn với cây quế là hướng đi mới để Văn Yên nâng cao hơn nữa giá trị của cây kinh tế chủ lực này.

Ông Lưu Trung Kiên - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cho biết: “Lâu nay, việc khai thác giá trị của cây quế chưa tương xứng với tiềm năng vốn có. Vì vậy, việc xây dựng các làng nghề sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ tập trung sẽ mở ra cơ hội để khai thác tối đa giá trị của loại cây này. Thậm chí, so với sản phẩm vỏ quế thông thường, các đồ thủ công mỹ nghệ này còn cho giá trị cao gấp từ 1,3 - 1,5 lần. Từ đồng hồ, lọ tăm đến chiếc bát, đèn ngủ này đều được làm từ quế đấy. Tất cả đều được chế tác tinh xảo và có tính nghệ thuật cao. So với các vật dụng khác, các sản phẩm này có mùi hương đặc trưng nên mọi người rất ưa chuộng”. 

Được biết, để tiến tới xây dựng ngành nghề thủ công mỹ nghệ từ quế, Văn Yên đã thực hiện những giải pháp, bước đi cụ thể. Đầu tiên, huyện tổ chức một lớp dạy nghề sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ từ vỏ quế cho 20 học viên đến từ các xã trọng điểm. Tiếp đó, tại Lễ hội quế được tổ chức tại xã Viễn Sơn, huyện đã có 35 gian hàng với hàng trăm sản phẩm được làm từ quế. Qua đánh giá, những sản phẩm này thu hút sự quan tâm rất lớn của du khách và những người tham dự Lễ hội.

Ngoài ra, thời gian qua, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cây quế còn đem đi giới thiệu, trưng bày tại các hội chợ trong và ngoài huyện như: Lễ hội đền Đông Cuông (xã Đông Cuông), Hội chợ huyện Sa Pa (Lào Cai), Hội chợ thương mại của Sở Khoa học - Công nghệ… Kết quả cho thấy, thị hiếu của người dân đối với các đồ thủ công mỹ nghệ từ quế khá lớn. Bên cạnh đó, huyện đang chuẩn bị các điều kiện để thành lập 2 làng nghề tại thị trấn Mậu A và xã Viễn Sơn. Những làng nghề này sẽ tập trung một số hộ sản xuất, kinh doanh để thành lập tổ hợp tác thủ công mỹ nghệ.

Ông Lưu Trung Kiên khẳng định: “Tất cả các phần của cây quế từ cành, vỏ cho đến thân qua công đoạn sơ chế và bàn tay khéo léo của người thợ là có thể trở thành những vật dụng gắn với đời sống hàng ngày như: hộp đựng trà, đựng tăm, bộ ấm chén hoặc là các sản phẩm mô hình dùng để trưng bày, trang trí... Điều phấn khởi là qua lớp đào tạo nghề, người dân có thể tiếp thu và chế tác các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ quế khá nhanh, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của người sử dụng”.

Để hiểu rõ hơn về cách làm các sản phẩm này, chúng tôi tìm gặp anh Bàn Tòn Năm - thôn Khe Dứa, xã Viễn Sơn, một học viên của lớp học chế tác đồ thủ công mỹ nghệ từ vỏ quế do huyện tổ chức. Sau lời giới thiệu, anh trổ tài ngay, chỉ với vài dụng cụ mộc cùng mảnh vỏ quế đã qua sơ chế, anh nhanh chóng hoàn thiện sản phẩm là chiếc hộp tăm xinh xắn.

Anh cho biết: “Từ những kiến thức mà các nghệ nhân đã truyền dạy, giờ đây, tôi biết cách chọn, sơ chế nguyên liệu, làm ra các sản phẩm đẹp từ quế. Nếu xây dựng làng nghề thì đây sẽ là cơ hội để giúp gia đình tôi nâng cao thu nhập”.

Ông Nguyễn Hùng Thịnh - Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên huyện Văn Yên cho biết: “Chúng tôi đã cử giáo viên tham gia lớp tập huấn làm đồ thủ công mỹ nghệ do huyện tổ chức, qua đó tích lũy thêm kinh nghiệm. Đến nay, các giáo viên này đã tiến hành làm 1 số sản phẩm trưng bày và phát triển thêm một số mẫu mã mới. Đặc biệt, để phục vụ cho công tác đào tạo nghề cho người dân, những giáo viên này đã tổ chức biên soạn giáo trình và được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt”.

Có thể nói, việc phát triển ngành nghề thủ công mỹ nghệ từ quế là hướng đi hoàn toàn đúng hướng của huyện Văn Yên nhằm nâng cao hơn nữa giá trị cây quế. Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận rằng, để xây dựng được các làng nghề tập trung, hoạt động hiệu quả đòi hỏi huyện phải có chiến lược cụ thể, dài hơi về quy hoạch vùng nguyên liệu bền vững, về đào tạo tay nghề cho người lao động, đặc biệt là tư duy nhanh nhạy của người nông dân trước những nhu cầu, thị hiếu ngày càng cao của thị trường đối với đồ thủ công mỹ nghệ. Do vậy, với những giải pháp đã và đang triển khai, thời gian tới, huyện cần tích cực quảng bá, giới thiệu về cây quế và các sản phẩm từ quế; tạo mọi điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư; xây dựng liên kết “3 nhà” (Nhà nước - nhà nông - nhà doanh nghiệp). 

Nguồn: YBĐT