Thông tin trên vừa được Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết tại hội thảo “Cơ hội từ EVFTA” diễn ra sáng 1/6 tại TP. Hồ Chí Minh.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh trả lời phỏng vấn báo chí tại hội thảo |
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, ngay khi hiệp định có hiệu lực trên 80% biểu thuế của EU áp dụng cho hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam được xóa bỏ và trong vòng 7 năm thì 99% biểu thuế của EU được xóa bỏ cho hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Đây là một tỉ lệ xóa bỏ về thuế rất lớn.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, có rất nhiều mặt hàng được hưởng lợi khi xuất khẩu vào EU như dệt may, giày dép, điện thoại, máy tính, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp. Thị trường châu Âu cũng sẽ dành cho Việt Nam những cam kết rất có lợi đối với các mặt hàng quan trọng như mặt hàng gạo, tôm, đồ gỗ. Với các cam kết này của EU khi hiệp định có hiệu lực thì xuất khẩu của Việt Nam sẽ có sự tăng trưởng và tăng trưởng với tốc độ nhanh.
So với hiệp định TPP, EU đã dành cho Việt Nam các cam kết rất hấp dẫn. Điển hình như EU sẵn sàng xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu đối với hàng dệt may trong vòng 7 năm và không đòi hỏi quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi mà chỉ yêu cầu quy tắc xuất xứ từ vải trở đi. Đối với giày dép cũng sẽ được xóa bỏ thuế hoàn toàn trong vòng 7 năm. Đặc biệt EU dành cho Việt Nam cơ hội tiếp cận thị trường rất tốt đối với các sản phẩm nông nghiệp ví dụ như mặt hàng cá được xóa bỏ thuế trong vòng 3 năm hay sản phẩm đường là một trong những mặt hàng nhạy cảm nhưng EU cũng dành cho Việt Nam một lượng hạn ngạch lên tới 10.000 tấn đường mỗi năm. Để hỗ trợ DN thu được lợi ích do EVTFA mang lại, Chính phủ sẽ tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ giúp DN phát triển. Tuy nhiên, có nắm bắt được các cơ hội hay không đòi hỏi sự chủ động từ phía DN.
Ông Mauro Petriccione, Trưởng đoàn đàm phán EU nhận xét: EVFTA sẽ mang đến cho các DN Việt Nam cơ hội tiếp cận dây chuyền cung ứng vì EU đang muốn xây dựng quan hệ thương mại về cung ứng với một số quốc gia khác ngoài liên minh để tăng sức cạnh tranh và đang cần có sự tham gia của các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên yêu cầu về chất lượng đối với hợp phần của các chuỗi cung ứng là rất cao nên chỉ khi các DN có thể đáp ứng được yêu cầu về chất lượng thì mới có thể tham gia được. Nếu Việt Nam ngày càng cải thiện được năng lực sản xuất sản phẩm đối với các ngành truyền thống như may mặc, da giày, điện tử thì sẽ có rất nhiều cơ hội hợp tác.
Nhận định những cơ hội mà EVFTA sẽ mang lại cho DN, ông Võ Quang Huệ - Tổng giám đốc Công ty TNHH Robert Bosch Việt Nam - cho biết: hiệp định có hiệu lực sẽ có thuận lợi rất lớn cho tất cả các DN Việt Nam khi xuất khẩu vào EU. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất hiện nay của DN Việt Nam là cơ sở hạ tầng, công nghiệp phụ trợ chưa phát triển và nguồn nhân lực chất lượng cao. Nếu DN Việt Nam cải thiện được những điểm yếu trên thì hoàn toàn có thể tận dụng được tốt những cơ hội của hiệp định này.
Nguồn: Báo Công Thương