Buổi tọa đàm có sự tham dự của đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, các đại biểu đến từ Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các trung tâm xúc tiến thương mại, trường đại học, Tổ chức cấp nhãn thương mại công bằng quốc tế (FLO), Tổ chức thương mại công bằng thế giới (WFTO)…
Buổi tọa đàm tập trung vào các nội dung chính sau: vai trò của phát triển thương mại công bằng và thị trường thương mại công bằng, đề xuất chính sách phát triển thương mại công bằng tại Việt Nam, xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị cho hàng nông sản theo định hướng thương mại công bằng…
Thương mại công bằng là chứng nhận được công nhận toàn cầu và các doanh nghiệp nào muốn đạt được chứng nhận này thì phải đáp ứng được các tiêu chuẩn mà tổ chức cấp nhãn FLO đề ra. Hiện nay, đã có khoảng 1,5 triệu nhà sản xuất và người lao động tại 1.200 tổ chức sản xuất trên 74 quốc gia tham gia vào phong trào thương mại công bằng.
Thương mại công bằng được hiểu là sự hợp tác đặt trên nền tảng đối thoại, minh bạch và tôn trọng, hướng đến cân bằng thương mại quốc tế. Với mục đích xây dựng và phát triển hệ thống thương mại toàn cầu dựa trên nguyên tắc bình đẳng trong sản xuất và kinh doanh, thương mại công bằng góp phần vào sự phát triển bền vững bằng cách đề ra những điều kiện thương mại lành mạnh hơn và đảm bảo quyền lợi của các nhà sản xuất và người lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Ví dụ, đối với các nhà sản xuất, thương mại công bằng giúp họ có được mức giá công bằng và ổn định cho sản phẩm của mình, tiền phúc lợi để đầu tư vào cộng đồng. Đối với doanh nghiệp, thương mại công bằng sẽ giúp dễ dàng được nhận diện, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Còn người tiêu dùng hàng hóa thương mại công bằng sẽ mua được những sản phẩm tốt, có nguồn gốc xuất xử rõ ràng…
Theo Báo Công Thương