Thực trạng sử dụng nhiên liệu sinh học ở các nước
Từ những năm 70 của thế kỷ trước, nhiều nước phát triển đã ý thức việc không thể để tương lai một quốc gia bị phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nên họ đã có những chiến lược rất lớn trong phát triển nhiên liệu sinh học thay thế nhiên liệu hóa thạch, đi đầu trong lĩnh vực này là Mĩ và Brasil, 2 nước này đã có một chiến lược phát triển nhiên liệu sinh học đúng đắn, vừa đảm bảo an ninh năng lượng, vừa giúp phát triển ngành nông nghiệp của mỗi nước.
Hàng loạt các nước khác cũng ý thức được việc giảm thiểu sự phụ thuộc an ninh năng lượng vào nhiên liệu hóa thạch và đi theo con đường của Mỹ và Brasil bằng cách ưu tiên tối đa các nguồn lực để phát triển nhiên liệu sinh học, vừa đảm bảo an ninh năng lượng bằng cách giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, vừa giải quyết được vấn đề tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, vừa giải quyết vấn đề môi trường do nhiên liệu sinh học sạch hơn nhiên liệu hóa thạch.
Hiện nay, nhiên liệu sinh học đang được sử dụng hàng ngày ở hầu hết các nước, một số nước nổi bật phải kể đến: Mỹ E10 tối thiểu, E85 tối đa; Brazil (E10); Phillippines (E5); Peru (E10); Nga (E5); Thailand (E20); Trung Quốc (E10); Đài Loan (E20); Châu Âu (E10)…
Những câu hỏi đã được trả lời sau 1 năm triển khai thử nghiệm phân phối xăng E5
Sau hơn 1 năm kể từ ngày 01/12/2014 khi bắt đầu bán xăng E5 ra thị trường, cùng với các chính sách hỗ trợ của nhà nước như mức trích lập quỹ bình ổn giá thấp hơn xăng khoáng để xăng E5 thấp hơn xăng A92 khoảng 500đ/lít, thời gian thử nghiệm 1 năm vừa rồi đã đủ các thông tin để giải đáp những thắc mắc của người dân hiện giờ như sau:
Giải pháp hỗ trợ của Nhà nước đã đủ và chính xác chưa?
Hiện nay, Nhà nước đang có 2 sự hỗ trợ để thúc đẩy tiêu thụ xăng E5:
- Hỗ trợ người sử dụng xăng E5:
Theo công thức tính giá xăng dầu bán lẻ do 2 bộ Công thương và Tài chính kết hợp điều hành, mức trích lập quỹ bình ổn giá của xăng E5 thấp hơn so với xăng A92 khoảng 500đ/lít, điều này giúp cho người sử dụng xăng A92 được lợi khoảng 500đ/lít.
- Hỗ trợ các công ty đầu mối kinh doanh xăng dầu
Theo dự thảo thông tư liên tịch giữa Bộ tài chính và Bộ Công thương, sắp tới Nhà nước sẽ tiếp tục hỗ trợ các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu khoảng 250đ/lit, đây là hỗ trợ chi phí phối trộn, hao hụt và một phần lợi nhuận cho các công ty đầu mối phân phối xăng dầu.
Như vậy, với sự hỗ trợ này thì người tiêu dùng và các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu như Petrolimex, Pvoil, Saigonpetro, Mipec… sẽ không còn kêu ca khi kinh doanh xăng E5 bị thiệt thòi nữa.
Công suất của các nhà máy sản xuất cồn E100 có đủ cung cấp cho E5 tại 8 tỉnh/thành phố nếu bỏ A92 không?
Theo tính toán, nếu bỏ hoàn toàn A92 tại 8 tỉnh/thành phố thì lượng cồn E100 cần trong 1 năm khoảng 160.000 tấn.
Hiện nay, 2 nhà máy sản xuất cồn E100 là Nhà máy cồn Đồng Nai của Công ty Tùng Lâm với công suất 60.000 tấn/năm và Nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất của Cty Nhiên liệu sinh học Miền Trung công suất 100.000 tấn/năm hoàn toàn đủ đảm bảo cho chương trình E5 tại 8 tỉnh/thành phố nếu bỏ A92.
Thời gian vừa qua, chỉ có 1 nhà máy của Công ty Tùng Lâm hoạt động để cung cấp cho 50% số cây xăng bán xăng E5 tại 8 tỉnh/thành phố. Nhà máy Nhiên liệu sinh học miền Trung tại Quảng Ngãi đã chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị và nguồn nhiên liệu để đáp ứng nhu cầu thị trường sắp tới sẽ gia tăng nhanh. Nếu từ 01/6/2016 Nhà nước bỏ hẳn xăng A92 thì Nhà máy này sẽ có điều kiện chạy 100% công suất.
Có sử dụng được luân phiên giữa các loại xăng A92, A95 và E5 không?
Do những hiểu biết về xăng E5 còn hạn chế cũng như việc triển khai xăng E5 phải theo lộ trình dần dần, cho nên khi 8 tỉnh/thành phố sử dụng xăng E5 trong khi các tỉnh khác chưa sử dụng xăng E5 được đại trà, khi đó người dân đang sử dụng xăng E5 để chạy xe, nếu hết xăng E5 thì có đổ được xăng khác không, nếu không tìm được cây xăng có xăng E5 thì phải dắt bộ xe về nhà ư? Đây là câu hỏi mà rất nhiều người băn khoăn.
Câu trả lời là người dân hoàn toàn có thể đổ luân phiên xăng A92, A95 và E5 mà không ảnh hưởng gì đến sự hoạt động của động cơ hoặc có thể đổ cả 3 loại xăng này một lúc cũng không hề ảnh hưởng gì.
(Theo Dân Trí)