Tại cuộc họp báo, ông Ishige đặc biệt nhấn mạnh cơ hội đầu tư và thương mại mà Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đem lại cho các nước thành viên, trong đó có Việt Nam và Nhật Bản.
Trả lời câu hỏi của phóng viên TTXVN về tác động của TPP đối với hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, Chủ tịch JETRO khẳng định TPP là lợi thế rất lớn để các doanh nghiệp tại các quốc gia thành viên TPP tăng cường hoạt động thương mại và đầu tư với nhau.
Chủ tịch Ishige tin tưởng với mục tiêu áp dụng quy định, tiêu chuẩn chung cho tất cả các nước thành viên, TPP sẽ cải thiện môi trường đầu tư cho các doanh nghiệp của các nước thành viên.
Đề cập đến Việt Nam, Chủ tịch JETRO cho biết khoảng 70-80% doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam sử dụng các dịch vụ của JETRO. Vì vậy, các dịch vụ của JETRO về cung cấp thông tin, tư vấn cho các doanh nghiệp cũng như việc đảm bảo cung cấp thông tin chính xác, khách quan và công bằng, đóng vai trò vô cùng quan trọng cho hoạt động đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam.
Ông Ishige tin tưởng rằng với lợi thế cả Việt Nam và Nhật Bản đều là thành viên của TPP, hoạt động đầu tư và thương mại giữa hai nước cũng như các nước thành viên TPP sẽ có bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Chủ tịch JETRO nhấn mạnh đến quan điểm của Chính phủ Việt Nam đối với nỗ lực tìm ra giải pháp để tháo gỡ hiệu quả từng vướng mắc còn tồn tại, coi đây là vấn đề đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Đề cập đến các vướng mắc đối với môi trường đầu tư tại Nhật Bản, báo cáo của JETRO cho biết, theo kết quả điều tra 1.000 doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Nhật Bản, có năm vấn đề bất cập, trong đó đứng đầu là thủ tục hành chính và cấp phép phức tạp, tiếp theo là vấn đề nhân lực, ngôn ngữ khó giao tiếp, những đặc thù của thị trường Nhật Bản.
Chi phí đắt đỏ, vốn là trở ngại lớn nhất trong môi trường đầu tư tại Nhật Bản trong nhiều năm qua, đã tụt xuống vị trí thứ năm trong cuộc điều tra năm 2015.
Chủ tịch JETRO nhận định điều này chứng tỏ Nhật Bản đã thành công trong việc xây dựng một môi trường đầu tư có sức hút tương đương với các nước khác trong khu vực nếu xét về chi phí, môi trường kinh doanh và khả năng tiếp cận thị trường.
Báo cáo của JETRO cho biết tình hình đầu tư vào Nhật Bản trong hai năm 2014 và 2015 đã có sự khởi sắc mạnh mẽ sau một thời gian dài trì trệ kể từ năm 2008.
Theo số liệu từ Bộ Tài chính Nhật Bản, đầu tư trực tiếp vào Nhật Bản tính đến tháng 9/2005 đạt 22.900 tỷ yen, trong đó đáng chú ý là đầu tư từ các nước châu Á đang tăng mạnh.
Châu Âu là vùng có mức đầu tư vào Nhật Bản cao nhất, chiếm tới 46,8% (tương đương 10.900 tỷ yen), Bắc Mỹ đứng ở vị trí thứ hai với 6.900 tỷ yen (tương đương 29,4%) và châu Á xếp vị trí thứ ba với con số 3.600 tỷ yen (tương đương 15,5%).
Theo điều tra của JETRO, các doanh nghiệp nước ngoài đánh giá cao những ưu thế gồm tiềm năng thị trường Nhật Bản, cơ sở hạ tầng chất lượng cao, đối tác tin cậy và hoạt động nghiên cứu, phát triển đạt chất lượng cao.
Có tới 77% doanh nghiệp nước ngoài có kế hoạch mở rộng hoạt động đầu tư tại Nhật Bản và 74% dự kiến sẽ tăng nhân viên. Đây là con số ấn tượng nếu so với con số chỉ có 1,4%, hai công ty, cho biết đang cân nhắc việc thu nhỏ quy mô đầu tư hoặc rút khỏi Nhật Bản.
Theo JETRO, để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư Nhật Bản, Chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục thực thi các sáng kiến thúc đẩy đầu tư nhằm đưa Nhật Bản trở thành “quốc gia dễ kinh doanh nhất trên thế giới,” theo đó cải cách thuế, chính sách, nới lỏng các yêu cầu đối với các doanh nghiệp nước ngoài lập nghiệp tại Nhật Bản, thu hút du khách nước ngoài đến thăm Nhật Bản, củng cố hoạt động quản lý doanh nghiệp, lập các đặc khu chiến lược quốc gia, khuyến khích tuyển dụng lao động nước ngoài, thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do, thực hiện các chương trình hỗ trợ để thu hút doanh nghiệp nước ngoài…/.