Bạn đang ở đây

Văn Yên với Đề án “Canh tác sắn bền vững trên đất dốc”

23/02/2016 15:24:06

Thực tế, đất trồng sắn của Văn Yên phần lớn là đất đồi dốc, nếu chỉ canh tác đơn thuần mà không có biện pháp kỹ thuật thì sẽ làm cho đất bị xói mòn, rửa trôi gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác. Mỗi năm trồng sắn đã lấy đi của đất một lượng dinh dưỡng rất lớn. Đa số người dân các địa phương trồng sắn chỉ quan tâm đến việc thu hoạch sản phẩm trước mắt mà chưa chú trọng thâm canh, bón phân chưa đúng kỹ thuật, sử dụng phân hữu cơ còn ít... nên nhu cầu dinh dưỡng của cây sắn chưa được đáp ứng, dẫn đến năng suất giảm rõ rệt đồng thời khiến đất bị xói mòn, rửa trôi, giảm độ phì của đất. Vì vậy, chống xói mòn tầng đất mặt và bổ sung các chất hữu cơ cải tạo đất là việc làm cần thiết để duy trì ổn định năng suất, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm tính bền vững lâu dài.

Giai đoạn 2011 - 2015, Ủy ban nhân dân huyện Văn Yên xây dựng Đề án canh tác sắn bền vững trên đất dốc với nhiều biện pháp tổng hợp như trồng cây lâm nghiệp trên đỉnh đồi sắn, san gạt đường băng, trồng băng cỏ, cốt khí, trồng xen các loại cây họ đậu... đã giúp hạn chế xói mòn, rửa trôi đất và giữ ổn định năng suất, chất lượng sắn.

Các biện pháp kỹ thuật được áp dụng đã đem lại hiệu quả rõ nét về năng suất sắn giữa nơi thực hiện canh tác sắn bền vững so với nơi không thực hiện canh tác sắn bền vững. Trong giai đoạn này, Văn Yên đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác sắn bền vững được 5.044 ha nhưng đến năm 2015 chỉ còn giữ được 2.664 ha. Bởi vậy, diện tích vùng nguyên liệu sắn hơn 7.000 ha liên tục giảm về năng suất, sản lượng và có nguy cơ ảnh hưởng đến vùng nguyên liệu sắn của huyện.

Giai đoạn 2016 - 2020, canh tác sắn bền vững trên đất dốc là một vấn đề cấp bách, là chiến lược lâu dài của huyện Văn Yên. Đây được xác định là vấn đề tiên quyết, sống còn của nông dân địa phương. Ngày 25/12/2015, Hội đồng nhân dân huyện Văn Yên đã ban hành Nghị quyết số 65/NQ-HĐND về phê duyệt Đề án canh tác sắn bền vững trên đất dốc huyện Văn Yên, giai đoạn 2016 - 2020.

Huyện phấn đấu đến năm 2020, có 5.664 ha đất dốc được áp dụng các biện pháp canh tác bền vững, thâm canh tăng năng suất sắn, hạn chế trồng sắn tại các xã ngoài vùng quy hoạch, đa dạng tập đoàn giống để kéo dài vụ sản xuất và bảo đảm đủ nguyên liệu cho nhà máy chế biến tinh bột sắn. Tham gia Đề án này có 13 xã với tổng kinh phí thực hiện 2,075 tỷ đồng, trong đó nguồn kinh phí huyện hỗ trợ 575 triệu đồng, vốn doanh nghiệp hỗ trợ 1,5 tỷ đồng.

Để thực hiện Đề án đạt hiệu quả, huyện Văn Yên tập trung lãnh đạo, phân công cán bộ phụ trách, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và phát động phong trào cán bộ, đảng viên, các tổ chức đoàn thể gương mẫu cho quần chúng noi theo. Huyện cụ thể hóa chỉ tiêu kế hoạch hàng năm đến từng xã; xử lý kiên quyết những trường hợp làm việc thiếu trách nhiệm, không hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch cũng như xử lý nghiêm các gia đình cố tình chống đối không thực hiện các biện pháp canh tác sắn bền vững.

Đồng thời, huyện tiếp tục kiện toàn Ban chỉ đạo canh tác sắn bền vững, phân công các thành viên Ban chỉ đạo phụ trách từng xã; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các cơ sở thực hiện và giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn tại cơ sở theo đề nghị của cơ quan chuyên môn và các thành viên Ban chỉ đạo.

Đồng bộ các giải pháp tổ chức thực hiện, huyện Văn Yên quyết tâm thực hiện thắng lợi Đề án canh tác sắn bền vững trên đất dốc, giai đoạn 2016 - 2020 để cây sắn thiết thực góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ nông dân.

Theo YBĐT