Với tựa đề “Triển vọng các thị trường hàng hóa” công bố ngày 26/1, báo cáo của WB nhận định từ năm 2010 các quốc gia mới nổi, với dân số khá đông, có tác động lớn đối với sự tăng trưởng về nhu cầu hàng hóa.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế không khả quan năm 2015 tại những quốc gia mới nổi đã khiến WB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế đối với những quốc gia này xuống còn 3,3%, mức thấp nhất kể từ năm 2010.
WB cho rằng chính sự giảm tốc nhanh hơn dự báo của những nước này, kèm theo thị trường tài chính biến động, sẽ đẩy giá cả hàng hóa giảm sâu hơn nữa. Theo WB, tình trạng này gây ra hiệu ứng rộng hơn, khiến kinh tế các nước xuất khẩu hàng hóa và nền kinh tế toàn cầu giảm tốc.
Tương tự như thị trường dầu mỏ, WB cho rằng giá cả hàng hóa biến động như con dao hai lưỡi. Các nước chuyên nhập khẩu hàng hóa sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ xu hướng. Ngược lại, các nước phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa sẽ gặp khó khăn hơn, chật vật khai thác các nguồn thu khác.
Các chuyên gia của WB cho rằng vẫn có thể dựa vào những lợi ích mà hàng hóa rẻ mang lại để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, đặc biệt là đối với các nước xuất khẩu hàng hóa, song các quốc gia này sẽ phải tốn nhiều thời gian để vận dụng.
Liên quan đến thị trường “vàng đen,” WB cho rằng có nhiều yếu tố khiến dầu thô thế giới mất hơn 27% giá trị từ đầu năm nay. Thứ nhất, chi phí sản xuất giảm khiến các nhà đầu tư Mỹ mạnh dạn tăng sản lượng khai thác. Thứ hai, việc Iran trở lại thị trường dầu mỏ sớm hơn dự kiến sau khi thoát khỏi các lệnh cấm vận của các nước Phương Tây cũng là yếu tố đẩy giá dầu đi xuống.
Về giá dầu trong thời gian tới, WB cho rằng dầu thô trong năm 2016 sẽ chỉ dừng ở mức 37 USD/thùng, thấp hơn con số 51 USD/thùng của dự báo trước đó. Thể chế tài chính này cho rằng giá dầu trong năm nay sẽ tiếp tục giảm thêm 27% sau khi đã giảm 47% trong năm 2015, tuy nhiên, tốc độ giảm diễn ra chậm hơn.
Theo: Vietnam+