Theo Tổng cục Thống kê, GDP Việt Nam năm 2015 tăng 6,68%. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 2.000 USD/người/năm. Lạm phát tiếp tục ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng năm 2015 chỉ tăng 0,63% nhưng không có biểu hiện nào của giảm phát do tổng cầu vẫn tăng rất mạnh.
Lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng thương mại giảm, xoay quanh 8-10%. Tỉ giá ổn định, dự trữ ngoại hối năm 2014 ước đạt trên 35 tỉ USD theo công bố của NHNN và năm 2015 được thông báo là đã đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
Dòng tiền đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục chảy mạnh, năm 2015, giải ngân trên 12 tỉ USD FDI, tăng cao so với con số trên 11 tỉ USD năm 2014. Theo báo cáo của NHNN, mặc dù còn rất vất vả nhưng nợ xấu ngân hàng đến cuối năm 2015 đã giảm xuống 2,9%, trong mức an toàn.
Thị trường bất động sản cả năm 2015 có thanh khoản rất tốt, báo hiệu 2016 phát triển tốt, ra khỏi thời kỳ đóng băng bất động sản 2010-2013. Thị trường chứng khoán được giữ vững và phát triển, VN-Index 2015 xoay quanh mức 580 điểm, tốt hơn nhiều so với mức 400 điểm các năm trước.
Việt Nam đã trở thành một trong các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về gạo, cao su, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, sản phẩm gỗ và các sản phẩm thủy sản, mặc dù chất lượng và khả năng cạnh tranh của nhiều loại sản phẩm còn thấp…
Công tác phòng chống tham nhũng đạt kết quả tốt, từ sau khi xảy ra vụ việc Vinashin, Vinalines, Đảng và Nhà nước đã quyết tâm xét xử, xử lý đến cùng các vụ án lớn.
Bên cạnh đó, phải khẳng định rằng tình hình kinh tế vẫn còn không ít khó khăn. Lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại mặc dù giảm mạnh nhưng so với khu vực và thế giới vẫn còn cao (các nước ASEAN cho doanh nghiệp vay xoay quanh mức 4-5%, còn ở Việt Nam hiện ở mức 8-10% mỗi năm).
Mặc dù vẫn đảm bảo trong mức an toàn cho phép nhưng nợ công tăng cao, năm 2015 lên 61,3% GDP. Do nhu cầu chi tăng lớn, để bảo đảm cân đối ngân sách Nhà nước, những năm qua đã phải duy trì bội chi ngân sách Nhà nước ở mức cao, năm 2015 khoảng 5% GDP.
Một bộ phận không nhỏ người lao động, làm công ăn lương, công chức hành chính, giáo viên… đời sống còn rất khó khăn, cần được tăng lương để cải thiện đời sống.
Về cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, báo cáo của Chính phủ cho thấy đã sắp xếp 465 doanh nghiệp Nhà nước, trong đó cổ phần hóa 353 doanh nghiệp, tuy nhiên chưa đạt được hết mục tiêu đề ra.
3 nguyên nhân thành công
Nguyên nhân lớn nhất của những thành quả nói trên là cả nước đã đoàn kết một lòng thực hiện cải cách thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Quốc hội đã ban hành Hiến pháp 2013 cùng hàng loạt luật mới như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Phá sản, Luật Quản lý và sử dụng vốn Nhà nước trong các doanh nghiệp, Luật Đầu tư công…
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 339/QĐ-TTg phê duyệt đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020.
Nhằm thực hiện xuyên suốt quan điểm chuyển mạnh từ “Nhà nước điều hành” sang “Nhà nước kiến tạo phát triển”, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và mới đây tiếp tục ban hành Nghị quyết số 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử…
Đây cũng chính là những nền tảng vững chắc cho thời kỳ thịnh vượng mới của kinh tế Việt Nam.
Nguyên nhân thứ hai là hàng loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã và đang được ký kết. Việt Nam hiện có 14 hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương với 55 quốc gia có nền kinh tế phát triển, trong đó lớn nhất là với ASEAN, EU, Hàn Quốc, TPP…
Nhìn tổng quát qua những hiệp định này, Việt Nam đã có được sự ủng hộ của cả thế giới trong hợp tác thương mại, đầu tư. Các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước những thuận lợi chưa từng có để mở rộng thị trường. Dự báo dòng tiền đầu tư cũng sẽ chảy ngày càng mạnh vào Việt Nam.
Nguyên nhân thứ ba, Nhà nước đang phát huy mạnh mẽ hơn quyền làm chủ của người dân, tăng cường công khai, minh bạch, tăng cường trách nhiệm giải trình trên tất cả mọi lĩnh vực, đây chính là sức ép rất mạnh cho cải cách.
Để Việt Nam phát triển thịnh vượng
Thời cơ mới, vận hội mới đang mở ra, Nhà nước sẽ có rất nhiều việc phải làm, trong đó cộng đồng doanh nghiệp xin kiến nghị 2 giải pháp cần tập trung thực hiện.
Thứ nhất, trên cơ sở sơ kết tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 19 và Nghị quyết 36a, cần phát động chương trình khởi nghiệp quốc gia, hình thành một hệ thống chính sách hỗ trợ xây dựng 2 triệu doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả trong giai đoạn 2016-2020. Chỉ với một lực lượng doanh nghiệp hùng hậu làm chủ công để phát triển kinh tế, năng suất, hiệu quả của nền kinh tế mới được nâng lên, chúng ta mới có nguồn lực để giải quyết các vấn đề khác.
Thứ hai, nghiên cứu xem xét sửa đổi chính sách hạn điền hiện nay và có giải pháp đột phá phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Không thể giải quyết bền vững các vấn đề của nông nghiệp nếu thiếu các doanh nghiệp nông nghiệp.
Bên cạnh đó, cần có nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề nợ công, bội chi ngân sách, tăng tiền lương cho người lao động, công chức…
Muốn như vậy, phải thực hiện cho được phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, theo Báo cáo do Thủ ướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày tại Quốc hội. Trong đó, đặc biệt quan trọng là “tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Phát triển và vận hành thông suốt, hiệu quả các loại thị trường, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, minh bạch giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế… Nhà nước bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp”. Đây không chỉ là giải pháp căn bản để phát triển doanh nghiệp mà còn là giải pháp căn bản để giải quyết nhiều vấn đề kinh tế-xã hội khác.
Trên cơ sở đồng tâm hiệp lực, trên những nền tảng đã được dày công xây dựng suốt 5 năm qua, chúng ta tin tưởng rằng Việt Nam sẽ bắt đầu một chu kỳ kinh tế mới thịnh vượng trong giai đoạn 2016-2020.