Đánh giá về chỉ số CPI cả năm 2015, bà Vũ Thị Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá cho rằng: CPI năm 2015 có tốc độ tăng tương đối thấp kể từ năm 2001 đến nay. Bình quân mỗi tháng CPI chỉ tăng 0,05%. CPI bình quân năm 2015 tăng 0,63% so với năm 2014, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu 5% của Quốc hội đề ra.
Bà Vũ Thị Thu Thủy cho rằng, CPI năm 2015 tăng khá thấp so với các năm trước đây, chủ yếu do các nguyên nhân về thị trường và điều hành của Chính phủ. Về nguyên nhân thị trường, theo bà Thủy: Nguồn cung về lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào, ngoài ra sản lượng lương thực tế giới tăng cùng với sự cạnh tranh với các nước như Ấn Độ, Thái Lan nên việc xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp khó khăn hơn trước, do đó giá lương thực luôn ở mức thấp hơn các nước khác. Tính đến hết tháng 11/2015, Việt Nam xuất khẩu được 6,08 triệu tấn gạo, tăng 0,7% về lượng nhưng lại giảm 7,4% về giá so với cùng kỳ 2014.
Trong năm 2015, giá nhiên liệu trên thị trường thế giới giảm mạnh, giá dầu Brent xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua, từ mức 110,47 USD/ thùng vào cuối năm 2013 xuống còn dưới 40 USD/ thùng vào thời điểm ngày 15/12/2015. Bình quân giá dần Brent năm 2015 đã giảm khoảng 45,6% so với năm 2014 nên giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh giảm, kéo theo chỉ số giá nhóm hàng “Nhà ở và vật liệu xây dựng” và “Giao thông” năm 2015 lần lượt giảm 1,62% và 11,92% so với năm trước. Trong đó riêng giá xăng dầu giảm 24,77% so với năm trước đã góp phần giảm CPI chung 0,9%.
Giá các mặt hàng thiết yếu khác trên thế giới khá ổn định, một số mặt hàng có xu hướng giảm mạnh như giá chất đốt, sắt thép... nên chỉ số giá nhập khẩu của các mặt hàng này năm 2015 so với năm 2014 đã giảm 5,82%, chỉ số giá xuất khẩu giảm 3,79%; chỉ số giá sản xuất hàng nông, lâm và thủy sản giảm 0,28%; chỉ số giá sản xuất hàng công nghiệp giảm 0,58%...
Ngoài các nguyên nhân về thị trường, theo bà Đỗ Thị Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá: Với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ số lượng sang chất lượng, từ chiều rộng sang chiều sâu, nâng cao hiệu quả đầu tư, nâng cao năng suất lao động; Trên cơ sở Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 3/1/2015 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 của Chính phủ, năm 2015 là năm có ý nghĩa quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2011-2015, là năm tiến hành đại hội Đảng các cấp nên các ngành, các cấp tích cực triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm giữ ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Cụ thể, ngành Công thương phối hợp cùng với những ngành liên quan chỉ đạo các doanh nghiệp thương mại dự trữ hàng hóa, tham gia bình ổn thị trường phục vụ Tết Nguyên Đán nên không xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến vào dịp Tết. Ngân hàng Nhà nước cũng đã điều hành lãi suất và tỷ giá linh hoạt phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô. Năm 2015 vừa qua tỷ giá được điều chỉnh 3% vào các ngày 7/1, 7/5 và 19/8, biên độ giao dịch tỷ giá cũng được tăng lên (+ -)3% nhằm ổn định thị trường ngoại hối, ứng phó kịp thời với tình hình biến động thị trường tài chính của các nước có quan hệ thương mại lớn với Việt Nam và hỗ trợ xuất khẩu. Giá vàng trong nước biến động cùng xu hướng với giá thế giới, không có tình trạng “sốt vàng” gây bất ổn định kinh tế - xã hội.
Ngoài các nguyên nhân trên, theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê: CPI giảm còn do yếu tố tâm lý, chi tiêu của người dân được tính toán kỹ hơn, cân nhắc hơn. Do đó, người cung cấp hàng hóa, dịch vụ cũng không tăng giá cao vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên Đán hay các lễ hội như trước đây. Ông Lâm nhấn mạnh: CPI giữ ở mức thấp và ổn định, tạo điều kiện cho các chính sách tiền tệ tích cực, kích thích sản xuất kinh doanh phát triển, tạo điều kiện cho giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý được tính đầy đủ các chi phí theo giá thị trường.
Theo Báo Công Thương