Với diện tích chè trên 12.000 ha, sản lượng búp đạt trên 90 ngàn tấn và gần 100 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chè, có những dây chuyền, công nghệ sản xuất với quy mô lớn và lừng danh cả Đông Nam Á.
Không chỉ có vậy, chè Yên Bái đã nổi tiếng trong và ngoài nước, nhất là sản phẩm chè đen, chè CTC, chè xanh và xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nga, và các nước Châu Âu nhưng nay đang gặp không ít những khó khăn và đang đối mặt với nguy cơ mất thị trường tiêu thụ.
Nguyên nhân dẫn đến ngành chè khó khăn thì đã rõ: nào là sản phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; công ty, doanh nghiệp phải đối mặt với việc cạnh tranh nguyên liệu thiếu lành mạnh; áp lực về tính thời vụ cao khi nguyên liệu dồn vào một số ngày trong tháng, vượt quá công suất chế biến của nhà máy và thiết bị; giá nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ cho sản xuất tăng cao; áp lực về thu nhập và đời sống người lao động… diễn biến phức tạp của thời tiết khí hậu, hạn hán kéo dài đã làm cho năng suất vườn chè giảm, chất lượng chè búp tươi thấp... nhưng dường như vẫn chưa có một giải pháp hữu hiệu.
Cũng nằm trong vòng xoáy ấy, Công ty cổ phần Chè Nghĩa Lộ đã tìm cho mình một hướng đi riêng, phù hợp với đòi hỏi của thị trường và đã làm nên những thành công nhất định.
Ông Nguyễn Thành Vinh - Giám đốc Công ty tâm sự: “Giống như bao doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chè trên địa bàn, Công ty cũng gặp không ít khó khăn trong nguyên liệu, thị trường tiêu thụ... Để tháo gỡ, Công ty đã ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, giữ vững và phát triển vùng nguyên liệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm coi đây là nhiệm vụ sống còn đối với sự tồn tại của doanh nghiệp”.
Cụ thể, từ năm 2010 đến 2015 Công ty đã đầu tư làm hơn 11km đường bê tông liên đồi, thuận lợi cho các hộ làm chè trong việc đi lại, chăm sóc vận chuyển phân bón và sản phẩm; mỗi năm, ứng 2,5 tỷ đồng cho người làm chè mua phân hữu cơ thâm canh vườn chè; bố trí cán bộ kỹ thuật, hướng dẫn trồng cải tạo vườn chè bằng giống chè LDP2 phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu trong vùng, cho năng suất và chất lượng tốt, đến nay 90% diện tích chè kinh doanh của Công ty đã được trồng thay thế bằng giống mới; 95% sản lượng chè búp tươi được thu hoạch bằng hái máy; chú trọng việc hướng dẫn thâm canh, phòng trừ sâu bệnh sau mỗi lần thu hái đảm bảo chu kỳ phát triển trong cả quá trình kinh doanh vườn chè.
Bên cạnh đó, Công ty đặc biệt quan tâm đến việc sản xuất nông nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, sản phẩm chè sạch, chè an toàn. Công ty đã chỉ đạo, định hướng giao cho bộ máy điều hành thực hiện hai chương trình sản xuất chè sạch, chè an toàn là VIETGAP và Rainforest Alliance (RA), đến nay đã được cấp chứng nhận. Từ những việc làm cụ thể, thiết thực doanh nghiệp đã tạo ra một vùng nguyên liệu có năng suất, chất lượng, có thể nói đó là một vùng chè điển hình của tỉnh Yên Bái.
Vùng nguyên liệu Công ty đầu tư đã cung cấp cho nhà máy chế biến đạt từ 4.500 tấn đến 5.800 tấn mỗi năm, với chất lượng tốt là điều kiện để tạo ra sản phẩm chè đen của doanh nghiệp có hương vị đặc trưng, được tiêu thụ ở nhiều nước trên thế giới, uy tín của Công ty ngày càng nâng lên, có điều kiện để tiếp tục hỗ trợ, đầu tư lại cho vùng nguyên liệu.
Song song với đó, Công ty luôn bám sát thực tế, gần gũi, chia sẻ, lắng nghe nguyện vọng của người lao động; kịp thời giải quyết những vướng mắc, quan tâm đến quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, từ yêu cầu của thực tế mà Đảng bộ đơn vị ra Nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo sát thực, hiệu quả.
Dẫu vẫn còn những khó khăn nhất định, nhưng những gì mà Công ty Cổ phần Chè Nghĩa Lộ đã và đang là một gợi hướng cho ngành chè, cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chè trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần nghiên cứu quy hoạch và giao quyền quản lý vùng nguyên liệu cho các công ty, doanh nghiệp.
Doanh nghiệp phải có trách nhiệm quản lý, đầu tư, hướng dẫn tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người làm chè để tránh tình trạng hiện nay doanh nghiệp đầu tư cho người làm chè, nhưng khi thu hoạch lại xảy ra tình trạng “tranh mua, tranh bán”, gây mất ổn định, phá vỡ sự gắn kết giữa vùng nguyên liệu với nhà máy chế biến, tiềm ẩn nhiều rủi ro và gây thiệt hại về kinh tế cho người làm chè và doanh nghiệp.
Theo YBĐT