Nhờ đó, người dân có điều kiện mua sắm những mặt hàng chất lượng, phù hợp với túi tiền của mình; đồng thời, doanh nghiệp có cơ hội mở rộng thị trường để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Từ đầu năm đến nay, tỉnh Yên Bái đã tổ chức 4 phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi tại xã Nghĩa Tâm, thị trấn Nông trường Liên Sơn (Văn Chấn), thị trấn Thác Bà (Yên Bình) và xã Tân Lĩnh (Lục Yên).
Những phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn này được tổ chức với hình thức như một hội chợ thương mại nhưng khác biệt là các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tham gia gian hàng đều ở trong nước và hàng hóa được bày bán 100% là hàng có thương hiệu Việt Nam.
Bình quân, mỗi phiên chợ có quy mô 25 gian hàng tiêu chuẩn, thu hút 15 doanh nghiệp tham gia. Theo ông Đoàn Lê Khoa - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công thương), để thu hút người dân tham gia, trước mỗi phiên chợ hàng Việt, Trung tâm phối hợp với các địa phương tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, thông tin, cổ động.
Bên cạnh đó, Trung tâm phối hợp với lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra nguồn gốc, chất lượng hàng hóa, sao cho bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả phù hợp; đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia có các chương trình khuyến mãi, thực hiện các chương trình từ thiện, an sinh xã hội lồng ghép trong khuôn khổ hội chợ... Vì vậy, các phiên chợ hàng Việt đã mang lại hiệu quả tích cực. Điều này được thể hiện rõ nét qua việc người dân rất háo hức tham gia hội chợ.
Từ khi khai mạc cho đến kết thúc, các phiên chợ hàng Việt luôn thu hút hàng nghìn người dân địa phương đến tham quan, mua sắm. Cụ thể, 4 phiên chợ hàng Việt được tổ chức từ đầu năm đến nay thu hút trên 16.000 lượt khách tới tham quan mua sắm, doanh thu bán hàng của các doanh nghiệp ước đạt trên 1,2 tỷ đồng.
Qua tìm hiểu cho thấy, hàng hoá của các doanh nghiệp mang về trưng bày, bán tại các phiên chợ rất phù hợp với nhu cầu, thị hiếu, của người dân nông thôn, đảm bảo chất lượng, tạo sự quan tâm của người tiêu dùng đối với sản phẩm hàng hoá của Việt Nam.
Mặt khác, chương trình đưa hàng Việt về miền núi năm 2015 đã tạo cơ hội cho các nhà sản xuất hiểu rõ nhu cầu tiêu dùng ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và năng lực cạnh tranh của các sản phẩm hàng hoá cùng loại trên thị trường; hỗ trợ người bán lẻ ở địa phương nâng cao khả năng kinh doanh; đồng thời, chương trình đã góp phần nâng cao kiến thức tiêu dùng của người dân, cách nhận biết, phân biệt hàng thật, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Đặc biệt, đối với người dân nông thôn, đây là cơ hội để được mua hàng hóa chất lượng tốt, tiếp cận với các chương trình khuyến mãi, tri ân khách hàng và giảm bớt thời gian, chi phí đi lại; được thưởng thức chương trình văn nghệ vui tươi, lành mạnh.
Anh Hoàng Văn Vương ở thị trấn Nông trường Liên Sơn cho biết: “Trước đây, khi mua sắm gia đình tôi thường quan tâm đến hàng hóa giá rẻ, mẫu mã đẹp, không quan tâm lắm đến xuất xứ của hàng hóa, nhưng từ khi Cuộc vận động được tuyên truyền mạnh mẽ gia đình đã dần thay đổi thói quen mua sắm. Đặc biệt, khi đến tham quan, mua sắm hàng hóa tại phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn được tổ chức tại địa phương tôi đã có cơ hội đánh giá chất lượng hàng hóa sản xuất trong nước nên đã chuyển sang sử dụng hàng Việt Nam”.
Việc người dân ưu tiên lựa chọn hàng thương hiệu Việt khi mua sắm đã cho thấy Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” phát huy hiệu quả thiết thực. Qua đó, vừa giúp người dân Việt Nam, nhất là người dân vùng nông thôn được sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước bảo đảm chất lượng, giá cả phù hợp; vừa giúp doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế trong nước có cơ hội phát triển sản xuất kinh doanh.
Theo YBĐT