Vòng đàm phán này diễn ra chỉ 2 tuần sau khi Mỹ và 11 quốc gia thuộc khu vực Thái Bình Dương hoàn tất Hiệp định Đối tác Kinh tế Thái Bình Dương (TPP).
Với TTIP, Mỹ và EU hy vọng sẽ tạo ra một khu vực thương mại và đầu tư gồm 800 triệu dân, chiếm gần một nửa GDP toàn cầu.
Vòng đàm phán thứ 11 được kỳ vọng sẽ giải quyết những bất đồng xung quanh các vấn đề công nghệ để hoàn tất toàn bộ tiến trình đàm phán vào cuối năm nay.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết, TTIP sẽ gỡ bỏ hàng rào thương mại, tạo ra những chuẩn mực chung, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm tại các quốc gia thành viên: “Sau khi TPP được thông qua, điều thực sự quan trọng đối với châu Âu đó là hoàn tất TTIP, bởi vì điều này sẽ giúp nâng tầm các quy định thương mại trên toàn cầu”.
Tuy nhiên, TTIP hiện nay đang phải đối mặt với làn sóng phản đối ngày càng dâng cao tại châu Âu. Hồi đầu tháng này, một cuộc biểu tình phản đối TTIP tại thủ đô Berlin, Đức đã thu hút 250.000 người tham gia.
Những người phản đối hiệp định này lo ngại rằng, TTIP sẽ hạ thấp các tiêu chuẩn về sức khỏe, lao động và môi trường của EU, đồng thời ưu ái các tập đoàn đa quốc gia.
(Theo HNMO)