Với diện tích đất nông, lâm nghiệp là trên 549.000 ha, nằm trên tiểu vùng khí hậu khác nhau nên đất đai tỉnh Yên Bái rất thích hợp cho trồng rừng kinh tế, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, cây đặc sản, cây dược liệu và cây lương thực. Với chủ trương khai thác triệt để đất đai, tiểu vùng khí hậu và thương hiệu đã có, Yên Bái đã hình thành các vùng chuyên canh tập trung cho giá trị kinh tế cao.
Trong sản xuất lương thực, hạt gạo vẫn là trung tâm, diện tích lúa nước luôn được giữ ổn định ở gần 41.000 ha, sản lượng năm 2014 đạt 202.299 tấn. Những năm qua, Yên Bái đã quy hoạch được vùng chuyên canh sản xuất lúa hàng hoá với diện tích trên 5.500 ha tập ở các vùng: Đại - Phú - An (Văn Yên), cánh đồng Mường Lò (Nghĩa Lộ, Văn Chấn), cánh đồng Mường Lai (Lục Yên). Trong đó, cánh đồng Mường Lò rộng gần 3.000 ha đứng thứ hai của Tây Bắc, nổi tiếng là "vùng gạo trắng nước trong" với những loại gạo ngon nổi tiếng như: Séng Cù, Chiêm hương, Japonica... Hàng năm, cung cấp hàng ngàn tấn gạo ngon cho các thành phố lớn. Đặc biệt, Yên Bái còn có nếp thơm Tú Lệ, nếp cẩm vùng cao, gạo Bạch Hà (Yên Bình) đều là những loại lúa đặc sản truyền thống mà không nơi nào có được.
Bên cạnh sản xuất lúa gạo, Yên Bái được xếp vào tốp đầu trong các tỉnh miền núi phía bắc có lợi thế về phát triển kinh tế lâm nghiệp. Khai thác thế mạnh này, Yên Bái đã rà soát, quy hoạch 3 loại rừng, rà soát quỹ đất rừng sản xuất giao quyền làm chủ cho người dân; quy hoạch vùng nguyên liệu gắn với chế biến; đổi mới cơ chế mô hình quản lý trong lĩnh vực lâm nghiệp. Đến nay, Yên Bái có trên 481.000 ha rừng các loại, trong đó, rừng tự nhiên trên 233.000 ha, rừng trồng trên 181.000 ha, độ che phủ rừng chiếm 62,1% đứng thứ 4 toàn quốc.
Với sản lượng khai thác gỗ tròn hàng năm trên 400.000 m3, Yên Bái có tiềm năng trong công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu. Nguồn tre, nứa vầu khá dồi dào với sản lượng khai thác hàng năm trên 29.000 cây đáp ứng công nghiệp chế biến giấy và bột giấy. Hiện Yên Bái có 27 dây chuyền sản xuất giấy đế và giấy vàng mã với công suất 33.750 tấn/ năm; 97 nhà máy chế biến gỗ rừng trồng với công suất 176.000 m3/ năm với các sản phẩm chế biến chủ yếu gồm: gỗ xẻ các loại; ván dăm ép; đũa gỗ, tre; giấy đế, giấy vàng mã; vỏ quế khô, tinh dầu quế.
Đã từ lâu cây chè được tỉnh Yên Bái xác định là cây xoá đói, giảm nghèo và làm giàu của nông dân đồng thời là một trong những cây công nghiệp chủ lực, có lợi thế trong nền kinh tế thị trường. Hiện nay, tổng diện tích chè trên địa bàn toàn tỉnh có 12.000 ha, sản lượng hàng năm đạt trên 90.000 tấn. Những năm qua, Yên Bái đã tập trung cải tạo diện tích chè bằng các giống chè đạt năng suất, chất lượng cao như: chè Shan, Bát Tiên, LDP1, LDP2, chè nhập nội Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên, Bát Tiên và từng bước xây dựng vùng nguyên liệu chè an toàn, chè sạch đáp ứng nhu cầu chế biến và xuất khẩu.
Chè Yên Bái đã thành danh với thương hiệu nổi tiếng là chè Shan tuyết Suối Giàng. Nằm trên độ cao trên độ cao hơn 1.400 m so với mặt nước biển, Chè Suối Giàng không chỉ có những gốc chè to, khi hái người Mông ở đây phải trèo lên mà điều làm nên huyền thoại Suối Giàng nức tiếng gần xa đó chính vị ngon của nó.
Năm 1976, viện sĩ thông tấn K.M Djenmukhatze, Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô (cũ) tới Suối Giàng nghiên cứu cây chè, ông đã phải kinh ngạc thốt lên: "Tôi đã đi qua 120 nước có chè trên thế giới, nhưng chưa ở đâu có cây chè cổ thụ như cây chè Suối Giàng. Phải chăng đây là thủy tổ của cây chè? Chè ở đây vô cùng độc đáo, bát nước chè xanh có đủ 18 vị đầu đẳng của chè thế giới". Ở Yên Bái, nhiều xã vùng cao đều có chè cổ thụ như: Sùng Đô, Suối Quyền, Nậm Lành, Nậm Mười... (huyện Văn Chấn), Phình Hồ, Xà Hồ... (huyện Trạm Tấu).
Tuy nhiên, đứng đầu trong mặt hàng nông sản ở Yên Bái phải là cây quế. Với trên 30.000 ha đất canh tác quế, chủ yếu tập trung ở các huyện: Văn Yên, Trấn Yên, Văn Chấn bởi vậy Yên Bái là tỉnh có diện tích quế lớn nhất khu vực miền núi phía bắc. Trong đó, huyện Văn Yên có diện tích quế lớn nhất cả nước với trên 23.000ha. Quế Văn Yên có chất lượng thuộc loại hàng đầu Việt Nam và thế giới. Năm 2011, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận Đăng ký chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm quế Văn Yên huyện Văn Yên. Hàng năm, Văn Yên xuất ra thị trường từ trên 5.000 tấn quế vỏ và khoảng 280 tấn tinh dầu quế.
Bên cạnh vùng nguyên liệu nông lâm sản dồi dào kể trên Yên Bái còn xây dựng được các vùng chuyên canh tập trung như: vùng sản xuất ngô khoảng 15.000 ha ở các huyện Trấn Yên, Văn Yên, Văn Chấn, Lục Yên; vùng sắn công nghiệp 8.000 ha ở huyện Văn Yên, huyện Yên Bình; măng tre Bát Độ trên 3.000 ha, vùng cây nguyên liệu giấy trên 60.000ha.
Với nguồn nguyên liệu dồi dào, Yên Bái đang tích cực "trải thảm đỏ" kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến gắn với vùng nguyên liệu.
Theo YBĐT