Bạn đang ở đây

“Khâm chè” và chuỗi liên kết sản xuất an toàn, bền vững

12/10/2015 13:11:57

Làm chủ một nhà máy chế biến chè vào loại lớn nhất tỉnh nhưng ông chủ Nguyễn Quang Khâm chưa bao giờ xuất hiện trên mặt báo, dù anh có nhiều bạn bè làm báo; lãnh đạo địa phương cũng rất nhiều lần ngỏ ý đưa phóng viên tới doanh nghiệp nhưng Khâm "chè" vẫn khéo từ chối: “Doanh nghiệp vẫn chưa làm được gì nhiều, so với các đơn vị bạn chẳng thấm vào đâu!”.

Hôm rồi giám đốc Phạm Quang Khâm đã điện thoại cho tôi báo tin vui: “Một tổ chức kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm có uy tín trên thế giới, trụ sở ở Liên bang Đức vừa thông báo kết quả kiểm nghiệm mặt hàng chè đen mà doanh nghiệp của anh xuất bán cho hãng UNILEVER ở châu Âu trong suốt một năm qua đã vượt qua tất cả các chỉ số khắt khe nhất”. Chè của nông dân Bình Thuận thu hái, do doanh nghiệp chế biến không có chất cấm, cụ thể là không còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (TBVTV). Đúng là tín hiệu rất tốt, giờ thì chè của nông dân, sản phẩm của Công ty làm ra đã có giá nhỉnh hơn và quan trọng nhất là có thị trường tiêu thụ ổn định; nó sẽ mở ra cơ hội phát triển bền vững.

“Đường xấu đi vất vả lắm không? Thằng chú thông cảm cho vùng sâu vùng xa nhé!”. Biết nhau lâu ngày nên anh vẫn gọi tôi thân mật là “thằng chú”. Bao năm qua Giám đốc Khâm vẫn vậy, phóng cách giản dị, chân tình, ăn nói thân mật, dễ nghe; xuống xưởng kiểm tra sản xuất là quần ngố, áo phông, mũ cối; không đi giao dịch là “lòng vòng” - đúng theo cách nói của anh, tới xem hộc héo, ngó qua cối vò, thăm dây chuyền sàng cắt, đặc biệt là kiểm tra máy tách cẫng; có hôm đeo giày thể thao leo hết nương chè này đến nương chè khác để trao đổi với bà con. Quen biết rộng rãi cộng đồng doanh nghiệp, tôi thấy anh là hình mẫu cho lớp ông chủ cơ sở sản xuất kinh doanh quy mô nhỏ mà thành đạt ở đất Yên Bái này. Làm thật, ăn thật, không hào nhoáng, tận dụng mọi thời gian có thể để xuống xưởng sản xuất.

Tôi nhớ có lần anh Khâm tâm sự rằng: “Quy mô sản xuất, tính chất doanh nghiệp, quy trình quản lý của mình còn nhỏ lẻ nên nhất thiết phải gắn bó sát sườn, láng tráng là lãi giả, lỗ thật; buông lỏng là phá sản ngay!”. Ngẫm lại thấy đúng thật, bây giờ có khối anh giám đốc thời gian cà phê, ăn nhậu, em ún nhiều hơn thời gian ở nhà máy nên chỉ vài năm là vốn liếng cụt sạch, nhìn thoáng qua chỉ hơn mấy anh giám đốc thật chất ở bộ quần áo trên người, cái điện thoại cầm tay, đầu chải gôm bóng lộn.

“Bên Đức họ vừa gửi thông báo kết quả kiểm nghiệm sang, cháu Linh biết tiếng Anh dịch cho (Linh là con trai cả của vợ chồng anh chị Khâm, sau khi tốt nghiệp cử nhân kinh tế tại Tokyo - Nhật Bản đã về quê phụ giúp bố mẹ làm kinh doanh) chứ anh có biết tiếng tăm gì đâu. Đại loại là cả 5 chất cấm đều thấp hơn quy định” anh Khâm vui vẻ nói với tôi rồi cho biết thêm: “Được công nhận ban đâu chỉ là một chuyện, hàng năm duy trì được chất lượng, vượt qua được các cuộc kiểm nghiệm là chuyện khác đó thằng chú ạ!”. Được biết, tháng 6/2015 SAM (tên gọi tắt của tổ chức gồm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, tập đoàn Unilever và các tổ chức gồm: The sustainabe trade intiantive, Rainforest Alliance và Veco đã chứng nhận cho Doanh nghiệp tư nhân Chè Bình Thuận đã đáp ứng đủ các yêu cầu của mạng lưới nông nghiệp bền vững (lĩnh vực chè).

Giản dị, chất phác đấy nhưng Nguyễn Quang Khâm lại có máu kinh doanh sẵn có trong người. Năm 1987, anh đã “bung ra” làm ngoài; năm 1992 mở doanh nghiệp tư nhân ngay sau khi Luật Doanh nghiệp ra đời và là một trong những doanh nghiệp tư nhân đầu tiên của tỉnh Yên Bái. Hơn hai chục năm kinh doanh với bao mồ hôi và công sức, nếm đủ đắng cay, ngọt bùi, anh Nguyễn Quang Khâm và người vợ đảm đang, tốt tính đã đưa doanh nghiệp từng bước phát triển: bình quân mỗi năm sản xuất từ 1.600 đến 1.800 tấn sản phẩm các loại, doanh thu trên dưới 40 tỷ đồng, nộp ngân sách trên dưới 2 tỷ đồng, mấy chục lao động có việc làm và thu nhập khá; tình hình tài chính lành mạnh, cơ ngơi sản xuất khép kín, hiện đại, giá trị vài chục tỷ đồng…

Có lẽ bấy nhiêu là đủ để nói anh là người thành đạt và để bạn bè, người dân gọi anh là “Khâm chè”! Nhưng ngay lúc thành công ấy “Khâm chè” lại nhận thấy cần có sự thay đổi để ổn định và phát triển. Vẫn chất giọng thủng thẳng, dễ nghe, Khâm bảo: “Dù có cố đến mấy thì làm chè ở Yên Bái cũng không phát triển mạnh được đâu, nguyên nhân thì có nhiều và cụ thể nhất là chất lượng chè búp tươi, đặc biệt là dư lượng TBVTV còn rất lớn. Như thế có nghĩa việc tiêu thụ rất khó khăn, chỉ có khách hàng dễ tính chấp nhận, tất nhiên thi thoảng họ (chủ yếu là khách Trung Quốc) lại áp dụng “chiêu bài” phẩm cấp để ép giá, nợ tiền nhằm chiếm dụng vốn. Anh nào chật vật nhảy vào được Bắc Mỹ hay Âu châu thì sản lượng cũng chẳng đáng kể; hàng xuống tầu ra biển rồi mà vẫn còn lo ngay ngáy”.

Lời giải cho bài toán sản xuất, kinh doanh bền vững và phát triển không gì khác chính là tạo ra sự liên kết giữa người trồng chè với doanh nghiệp chế biến và nhà phân phối. Thương trường không còn là chuyện cung cấp cái mà họ cần, càng không phải đem đi bán cái mà mình có; sự ổn định và phát triển bền vững chỉ có thể tạo ra khi có sự liên kết, theo một quy trình chặt chẽ. Biết vậy đấy nhưng lực bất tòng tâm, một mình không đủ sức.

Rồi đến năm 2013, qua bạn bè giới thiệu những chuyên gia của Tập đoàn UNILEVER và Tổ chức IDH đã có những buổi làm việc với Doanh nghiệp Chè Bình Thuận nhằm bàn bạc sự hợp tác hướng tới sản xuất chè bền vững và an toàn. Lấy hộ nông dân trồng chè làm chủ thể, Tập đoàn UNILEVER và Doanh nghiệp Chè Bình Thuận tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các hộ dân tham gia Chương trình RA (Rainforest  Alliance) quy trình chăm sóc, thu hái chè an toàn, chất lượng, theo đó việc bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (TBVTV), thu hái, làm cỏ, đốn cành… đều phải thực hiện theo đúng quy định; trong đó đặc biệt chú ý đến việc sử dụng TBVTV một cách an toàn, hiệu quả (chỉ sử dụng thuốc trong danh mục quy định, đúng loại thuốc, loại bệnh, thời điểm phun và thời gian cách ly).

Hàng chục buổi tập huấn kỹ đã được tổ chức tại các thôn với sự tham gia của hàng trăm lượt hộ, Doanh nghiệp và đối tác đã tuyển lựa được 15 hộ có diện tích chè lớn, có uy tín trong cộng đồng, có điều kiện và khả năng làm tuyên truyền viên, làm mô hình điểm. Nhằm thu hút và tạo điều kiện cho người dân đến tham gia tập huấn, doanh nghiệp và Tập đoàn UNILEVER còn hỗ trợ sách vở, bút mực, tiền ăn và cả tiền xăng xe cho bà con với mức trên 100 nghìn đồng mỗi buổi. Kết quả đã có 177 hộ ở 5 thôn trong xã Bình Thuận với diện tích 129,3 ha chè tham gia chương trình RA. Trong bối cảnh thị trường TBVTV khó kiểm soát, doanh nghiệp Chè Bình Thuận còn mở đại lý TBVTV, cung cấp toàn bộ nguồn hàng rõ nguồn gốc, có uy tín với giá thấp hơn giá thị trường từ 20% đến 50%, doanh nghiệp còn bố trí cán bộ kỹ thuật đứng bán hàng để tư vấn trực tiếp cho nông dân.

Anh Nguyễn Quang Khâm (giữa) kiểm tra nguyên liệu đầu vào tại nhà máy.

Ông Nguyễn Văn Lảnh - người thôn Đồng Chằm cho biết: “Nhờ chương trình của anh Khâm mà gia đình tôi và nhiều hộ dân làm chè ở đây mới biết thế nào là sử dụng TBVTV an toàn và hiệu quả. Trước đây, thấy chè sâu bệnh là mua mấy loại thuốc hòa lẫn rồi phun bừa, vừa tốn tiền vừa kém hiệu quả. Nay thì ngược lại: đúng thuốc, đúng thời điểm và đúng thời gian cách ly ghi trên bao bì; TBVTV mua về cho vào hòm khóa cất giữ cẩn thận, đi phun phải đeo ủng, găng tay, khẩu trang và mặc áo mưa… dụng cụ bảo hộ kể trên đều do Công ty cung cấp”.

Vậy là mối liên kết ba bên đã hình thành: nông dân chăm sóc, thu hái chè theo đúng quy trình, năng suất tăng hơn 20% đến 30% so với diện tích đối chứng, Doanh nghiệp mua toàn bộ với giá cao hơn 200 đồng mỗi ki-lô-gam; doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu sạch để sản xuất, yên tâm có nơi tiêu thụ với giá cả hợp lý; với hãng thực phẩm UNILEVER có được nguồn hàng ổn định, chất lượng cao và an toàn để chế biến sâu hơn và cung cấp cho các khách hàng tại thị trường khó tính nhất.

Khỏi cần sổ sách kế toán gì, anh Khâm cho biết: “Tính đến trước lứa chè này doanh nghiệp đã mua được của nông dân hơn 2.000 tấn chè sạch, làm ra khoảng 500 tấn sản phẩm chè đen đạt tiêu chuẩn quốc tế”. Hơn 2.000 tấn, giá mỗi cân chè cao hơn bình thường 200 đồng (bình quân 3.700 đồng/cân) thì dân hưởng lợi không nhỏ. Hàng chất lượng như thế, doanh nghiệp đã được bao tiêu toàn bộ đầu ra với giá cao hơn chè thường, bước đầu như vậy đã là thành công rồi. Rất nhiều hộ trong xã Bình Thuận đã đề nghị sang năm được tham gia Chương trình RA. Chấp nhận làm theo quy trình để cùng được hưởng lợi, đó là sự chuyển biến lớn về tư duy sản xuất của người làm chè Bình Thuận. Doanh nghiệp và đối tác đã họp bàn mở rộng diện tích và số hộ tham gia chương trình; đăc biệt chương trình  đang chuẩn bị triển khai dịch vụ phun thuốc bảo vệ thực vật cho diện tích chè trong niên vụ 2016.

Mối liên kết nông - công - thương đã được thiết lập và sẽ ngày càng bền chặt hơn. Anh Khâm đã quả quyết như vậy khi chia tay tôi bên hành lang nhà máy. Tôi thấy ở “Khâm chè” bóng dáng một doanh nhân của thời kỳ mới, thời kỳ thương trường không phải là chiến trường mà thương trường là hợp tác phát triển bền vững.

Theo YBĐT