Bạn đang ở đây

Chính thức thực hiện ‘Một cửa quốc gia’, tăng vốn DATC, đầu tư lớn tại Lào

14/09/2015 07:31:16

Chính thức thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia

Sáng 8/9, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự lễ công bố chính thức thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và kết nối kỹ thuật Cơ chế một cửa ASEAN.

Như vậy, từ nay theo cơ chế một cửa quốc gia, các doanh nghiệp (DN) không phải đến từng cơ quan quản lý Nhà nước để thực hiện các thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh mà chỉ cần ở trụ sở DN gửi thông tin lên Cổng thông tin một cửa quốc gia (NWS) để các cơ quan liên quan tiếp nhận, xử lý và gửi trả kết quả cũng qua Cổng thông tin này.

Thông tin của DN khi gửi lên NWS sẽ được tiếp nhận, xử lí theo 5 bước, gồm: DN gửi thông tin; NWS tiếp nhận thông tin; thông tin được Cổng tự động chuyển đến các đơn vị liên quan để xử lý; các cơ quan sau khi nhận thông tin sẽ xử lí theo quy trình nghiệp vụ nội bộ; sau khi có kết quả xử lí, các đơn vị chuyển thông tin lại cho Cổng và đơn vị này sẽ chuyển kết quả xử lí của tất cả các cơ quan cho DN.

Hiện nay, Việt Nam đã hoàn thành rà soát pháp lý và nội luật hóa các quy định để triển khai Cơ chế một cửa ASEAN. Tính tới thời điểm hiện tại, đã có 7 nước thành viên ASEAN, bao gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam công bố đã triển khai Cơ chế một cửa quốc gia theo đúng cam kết. 5 nước thành viên bao gồm Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam công bố đã sẵn sàng cho việc kết nối Cơ chế một cửa ASEAN từ tháng 12/2015.

Theo kế hoạch đã thống nhất giữa các nước thành viên, đến hết tháng 10/2015, toàn bộ 5 nước thành viên bao gồm Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam sẽ hoàn tất kết nối kỹ thuật để sẵn sàng kết nối đầy đủ vào tháng 12/2015.

* Theo Tổng cục Hải quan, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN và NSW, đến cuối tháng 8/2015, có 12 thủ tục hành chính đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của 5 Bộ liên quan đã tham gia NSW.

Trong số đó, Bộ Giao thông vận tải là đơn vị có số lượng nhiều nhất với 5 thủ tục. Tiếp đến là Bộ Công Thương có 3 thủ tục, Bộ Y tế có 2 thủ tục, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường có một thủ tục.

Riêng lĩnh vực của Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), các thủ tục hải quan nằm trong quy định phải thực hiện qua NSW đã được triển khai đầy đủ. Ngoài ra, các thủ tục liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện quản lý của các bộ, ngành thực hiện trong NSW cũng có sự tham gia giải quyết của cơ quan hải quan.

Tính đến cuối tháng 8, cả nước có 11.247 hồ sơ của các DN được giải quyết qua NSW.

DATC tăng vốn điều lệ lên 6.000 tỉ đồng

Theo Thông tư 135/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính, từ 15/10/2015, mức vốn điều lệ của Công ty trách nhiệm hữu hạn Mua bán nợ Việt Nam (DATC) sẽ được điều chỉnh tăng hơn 2 lần so với quy định hiện hành.

Cụ thể, vốn điều lệ của DATC sẽ được điều chỉnh tăng lên mức 6.000 tỉ đồng thay mức 2.481 tỉ đồng trước đây.

DATC là DN hạng đặc biệt theo Quyết định số 55/2004/QĐ-TTg ngày 06/04/2004 của Thủ tướng Chính phủ. Mục tiêu hoạt động của công ty này là hỗ trợ quá trình tái cơ cấu, sắp xếp, chuyển đổi sở hữu DN nhà nước. Bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu nhà nước đầu tư tại DATC và vốn của DATC đầu tư tại các DN khác. Hoàn thành các nhiệm vụ khác do chủ sở hữu nhà nước giao.

DN bất động sản: Vốn pháp định không thấp hơn 20 tỉ đồng

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản.

Trong đó, về điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản, tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải thành lập DN theo quy định của pháp luật về DN hoặc hợp tác xã theo quy định của pháp luật về hợp tác xã (DN) và phải có vốn pháp định không được thấp hơn 20 tỉ đồng trừ các trường hợp: Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản quy mô nhỏ, không thường xuyên; tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ bất động sản quy định tại Chương IV Luật Kinh doanh bất động sản.

Ngoài ra, Nghị định này cũng quy định chi tiết về điều kiện chuyển nhượng hợp đồng thuê mua nhà, công trình xây dựng có sẵn và điều kiện chuyển nhượng hợp đồng thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai.

Khởi công Dự án muối mỏ kali tại Lào

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 10/9, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ thăm, làm việc tại Lào và dự lễ khởi công Dự án muối mỏ kali tại tỉnh Khammouan từ ngày 13-14/9.

Theo ông Lê Hải Bình, Dự án nói trên tại tỉnh Khammouan (Lào) là dự án lớn nhất của Việt Nam ở nước ngoài.

* Sáng 12/9, UBND tỉnh Long An phối hợp với UBND TPHCM trao Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty CP Xử lý chất thải Việt Nam-Long An (Hoa Kỳ) đầu tư vào dự án Khu công nghệ môi trường xanh tại huyện Thủ Thừa, Long An. Đây là dự án đầu tư lớn của Hoa Kỳ vào lĩnh vực môi trường với tổng vốn giai đoạn I là 450 triệu USD.

* Theo Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại cuộc họp với Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, trong năm 2015, Tập đoàn tập trung chỉ đạo hoàn thành cổ phần hóa 5 công ty cao su: Bình Long, Phú Riềng, Lộc Ninh, Bà Rịa, Tân Biên.

Tín dụng tăng 10,23%

Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, tính đến ngày 31/8, tín dụng nền kinh tế tăng 10,23% so với cuối năm 2014. Đây là con số tăng trưởng khá ấn tượng, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, chỉ trong vòng một tuần cuối tháng 8, tín dụng đã tăng thêm tới 0,7% từ con số 9,54% ngày 25/8. Hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng hiện nay đang ở mức tăng trưởng nhanh nhất kể từ năm 2011.

Hồi đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tín dụng tăng trưởng 13-15% cho cả năm nay. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng mục tiêu 15% sẽ dễ dàng vượt qua.

Theo Chinhphu.vn