Bạn đang ở đây

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Thực hiện nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả và tính chuyên nghiệp của hoạt động xúc tiến thương mại

25/08/2015 08:35:12

XTTM hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp
TCCT: Là người có nhiều năm gắn bó với công tác XTTM, xin Thứ trưởng đánh giá về hoạt động XTTM trong thời quan qua?

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Hoạt động XTTM trong thời gian qua đã được triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả, tận dụng tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp với nhiều lĩnh vực, địa bàn và quy mô khác nhau, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, tìm kiếm, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu. Nhờ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu của nước ta.

Những năm gần đây,với tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu thường xuyên của cả nước vượt mức 10%/năm, công tác XTTM đã có những đóng góp quan trọng và được Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Công Thương quan tâm, chú trọng. Đặc biệt năm 2015, kinh phí cho hoạt động xúc tiến thương mại được phê duyệt sớm hơn so với các năm trước nhằm tạo điều kiện các đơn vị chủ động đẩy nhanh việc triển khai đề án, đồng thời giúp doanh nghiệp (DN) có thể tích cực tham gia các hoạt động XTTM ngay từ đầu năm.


Tiêu biểu là Chương trình XTTM quốc gia với 3 mục tiêu chính là XTTM định hướng xuất khẩu, XTTM thị trường trong nước và XTTM miền núi, biên giới, hải đảo. Chương trình đã thực sự hỗ trợ tích cực, hiệu quả việc xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm, thủy sản tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm. Đồng thời, chương trình cũng chú trọng đẩy mạnh hoạt động XTTM đối với các sản phẩm xuất khẩu có thế mạnh như ngành dệt may, da giày, công nghệ thông tin, điện, điện tử, dược, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ, thép…Với sự hỗ trợ từ Chương trình XTTM quốc gia, sự hiện diện của sản phẩm xuất khẩu Việt Nam tại các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc ngày càng mở rộng. Đồng thời, Chương trình đã hỗ trợ doanh nghiệp trở lại các thị trường như Liên bang Nga, các nước Đông Âu, tăng cường hoạt động tại thị trường Myanmar, Lào, các nước Trung Đông, Châu Phi, Mỹ Latinh… Theo thống kê, các hoạt động thuộc Chương trình XTTM quốc gia giai đoạn 2010 - 2014 đã thu hút hơn 21.000 lượt doanh nghiệp tham gia, các doanh nghiệp đã trực tiếp giao dịch và ký kết hợp đồng với tổng trị giá hợp đồng xuất khẩu hàng hóa và doanh số bán hàng đạt gần 5,3 tỷ USD và trên 1.000 tỷ đồng. Năm 2015, Bộ Công Thương đã sớm phê duyệt 212 đề án XTTM quốc gia với tổng kinh phí là 100 tỷ đồng.

Với Chương trình thương hiệu quốc gia, một chương trình XTTM dài hạn nhằm quảng bá hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia thông qua, thương hiệu sản phẩm, trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế so với yêu cầu thực tiễn, Chương trình đã được triển khai có hiệu quả. Tập trung vào các nội dung góp phần nâng cao nhận thức về thương hiệu, tăng cường năng lực kinh doanh và phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ các Hiệp hội ngành hàng có năng lực cạnh tranh xuất khẩu xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển thương hiệu sản phẩm cho ngành...Năm 2014, kỳ lựa chọn lần thứ 4 kể từ năm 2008, Chương trình đã chọn ra được 63 doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế trong nước và nước ngoài đang ở giai đoạn khó khăn, nhưng 63 doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia vẫn tăng trưởng về doanh thu, đóng góp tích cực cho xã hội: năm 2013, nộp ngân sách trên 25 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 90 nghìn lao động và xuất khẩu trên 17 nghìn tỷ đồng.

Công tác hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thông tin, phân tích thị trường trong thời gian qua cũng được đẩy mạnh hơn. Các DN còn được hỗ trợ tham gia các khóa tập huấn, đào tạo về kỹ năng XTTM, phát triển sản phẩm, nâng cao năng lực thiết kế, sáng tạo mẫu mã mới đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm.

Trong những hoạt động đó, Cục XTTM giữ vị trí là cơ quan đầu mối đã góp phần không nhỏ trong hoạt động XTTM của cả nước. Đến nay, có thể khẳng định, Cục XTTM đã đồng hành với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong việc duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu, củng cố, khai thác và phát triển thị trường nội địa, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các biện pháp xúc tiến đầu tư, XTTM, cung cấp thông tin thị trường để hoạch định chiến lược kinh doanh phù hợp.

Nguồn lực tài chính và con người cho XTTM còn nhiều hạn chế

TCCT: Theo Thứ trưởng hiện nay hoạt động XTTM của chúng ta còn những hạn chế nào?

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Chắc chắn nhu cầu dịch vụ và yêu cầu về chất lượng dịch vụ XTTM đòi hỏi ngày càng cao khi kinh tế Việt Nam hội nhập sâu và toàn diện hơn vào nền kinh tế thế giới, khi các yếu tố của kinh tế thị trường phát triển cao hơn, tính thị trường rõ nét hơn. Xác định được yêu cầu đó, ngành Công Thương đã xây dựng hệ thống cơ chế chính sách nhằm nâng cao hiệu quả công tác XTTM tương đối đầy đủ, rõ ràng.

Tuy nhiên, vẫn có một số vấn đề mà hệ thống XTTM của chúng ta cần khắc phục. Thứ nhất, nguồn nhân lực làm công tác XTTM cần phải được nâng cao cả số lượng và chất lượng; Thứ hai, việc đầu tư cho các hoạt động XTTM vẫn còn hạn chế so với thế giới cũng như các nước trong khu vực. Chẳng hạn như kinh phí dành cho Chương trình XTTM quốc gia của Việt Nam hiện nay tính trên kim ngạch xuất khẩu chỉ bằng 0,003% (so với mức trung bình của thế giới là 0,11%, theo nghiên cứu của World Bank có tựa đề “Export Promotion Agencies: What works and what doesn’t). Tính theo tỷ lệ phần trăm chỉ tương đương 1/30 tỷ lệ trung bình của toàn thế giới, bằng 1/4 so với Bangladesh, bằng 1/10 so với Thái Lan.
Thực tế, Bộ Công Thương đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc phê duyệt Chương trình XTTM, nhiều đề án tốt, có tính khả thi cao và thiết thực phục vụ trực tiếp trong việc đẩy mạnh xuất khẩu và an sinh xã hội nhưng do không có kinh phí, nên không được đưa vào phê duyệt thực hiện; Thứ ba, là cơ sở hạ tầng phục vụ công tác XTTM của chúng ta vẫn còn thiếu thốn và sơ sài. Điều này ảnh hưởng tới quy mô của các hội chợ triển lãm chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Mặt khác, năng lực triển khai các hoạt động XTTM của doanh nghiệp nhìn chung còn hạn chế, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhiều doanh nghiệp không có định hướng dài hạn và quyết tâm phát triển với tầm nhìn chiến lược.Với điều kiện nguồn lực tài chính và con người còn hạn chế, cách làm vận dụng như hiện nay chúng ta mới chỉ đáp ứng được nhiệm vụ trong ngắn hạn chứ chưa đặt được nền móng vững chắc cho những mục tiêu chiến lược dài hạn.
Để khắc phục, việc triển khai đòi hỏi phải đồng bộ, kết nối với các ngành khác để tập trung được các nguồn lực thực thi và hướng đến nhiều địa bàn, nhiều đối tượng được hưởng lợi hơn. Đó cũng chính là yêu cầu thực tiễn đặt ra cho hệ thống các cơ quan làm công tác XTTM từ trung ương đến địa phương cần phải khắc phục, làm tốt hơn trong thời gian tới.

Hội nhập kinh tế quốc tế, XTTM cần chuyên nghiệp hơn

TCCT: Xin Thứ trưởng cho biết, công tác XTTM trong thời gian tới sẽ cần có những chuyển biến như thế nào để phù hợp với giai đoạn hội nhập kinh tế sâu rộng?

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Trước yêu cầu phát triển trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, công tác XTTM ngày càng phải thể hiện rõ vai trò và vị trí của mình. Hoạt động XTTM vì thế cần phải nâng cao cả về chất và lượng, triển khai phối hợp nhiều biện pháp cả trong và ngoài nước nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp trong công tác XTTM. Đồng thời cần nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài và công tác thông tin XTTM; tăng cường năng lực nghiên cứu, dự báo và thông tin thị trường để định hướng sản xuất đến tất cả các ngành, phân ngành; đồng thời cung cấp thông tin đồng bộ, kịp thời đến đối tượng sản xuất, kinh doanh.

Về phía Cục XTTM đang thể hiện những bước chuyển mạnh mẽ với các hoạt động cụ thể nhằm tăng cường hiệu quả của Chương trình XTTM quốc gia, tích cực thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia, hướng tới thành lập Diễn đàn Thương hiệu Quốc gia với mục đích quảng bá hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam. Hoạt động cung cấp thông tin thị trường tiếp tục đổi mới nhằmcung cấp cho doanh nghiệp trực tiếp khai thác thông tin thông qua các hình thức trực tuyến, phát hành Bản tin xuất khẩu, các ẩn phẩm XTTM phục vụ xuất khẩu…

Tiếp cận cơ hội XTTM, doanh nghiệp cần chủ động và sáng tạo

TCCT: Doanh nghiệp Việt Nam là đối tượng hưởng lợi trực tiếp trong các nỗ lực đẩy mạnh hiệu quả các hoạt động XTTM, vậy các doanh nghiệp cần phải làm gì để có thể tận dụng tối đa hiệu quả của các chương trình XTTM, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Hiện nay, Việt Nam đang hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, với hàng loạt các FTA được ký kết. Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục XTTM và các cơ quan liên quan triển khai các hoạt động XTTM thiết thực, khả thi, trong đó chú trọng các hoạt động nhằm khai thác, mở rộng các thị trường Việt Nam đã ký và đang đàm phán FTA.

Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục XTTM thông qua Chương trình XTTM Quốc gia và Chương trình Thương hiệu Quốc gia, cần triển khai các hoạt động thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về tình hình hội nhập kinh tế quốc tế, các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tìm hiểu thị trường; xúc tiến các hoạt động thương mại - đầu tư; hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh nói chung cho các doanh nghiệp; phát triển thương hiệu nhằm nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế và thậm chí ngay trên thị trường nội địa khi chúng ta phải thực hiện các cam kết mở cửa thị trường. Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, hoạt động XTTM thời gian tới sẽ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác có hiệu quả các lợi ích từ các FTA mang lại, thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường đối tác FTA. Đồng thời, thông qua hoạt động XTTM giúp các DN từng bước phát triển thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng trong từng sản phẩm, phát triển sản phẩm mới, tiến tới xuất khẩu giá trị cao và bền vững.

Tuy nhiên, về phần mình các doanh nghiệp cũng cần cố gắng hơn nữa. Trước hết, các doanh nghiệp cần chủ động, sáng tạo hơn trong việc tìm hiểu thông tin và tham gia vào mạng lưới XTTM để thường xuyên được tiếp cận các cơ hội mà hoạt động XTTM đem lại. Ngoài ra, các doanh nghiệp nên xây dựng đội ngũ nhân sự chuyên trách được đào tạo kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về XTTM để có thể tham gia chủ động và hiệu quả vào các chương trình XTTM do Nhà nước hỗ trợ.

Với nhiều giải pháp đồng bộ từ cơ quan quản lý Nhà nước tới doanh nghiệp, tôi tin rằng hoạt động XTTM thời gian tới sẽ đem lại những hiệu quả mới giúp doanh nghiệp và người dân tận dụng tối đa cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế./.

Nguồn Tạp chí Công Thương