Những yếu kém của DN logistics nội dù đã được phân tích, mổ xẻ và khuyến cáo từ lâu nhưng con số được công bố đó khiến nhiều người không khỏi quan ngại, bởi thị phần của đội quân đông đảo DN nội thua xa thị phần của hơn 20 DN nước ngoài, tất yếu nguồn thu lớn (35 tỷ USD) rơi vào túi DN nước ngoài. Dịch vụ vận tải biển chiếm doanh thu lớn nhất thuộc về các DN logistics đa quốc gia.
Trên thực tế, DN nước ngoài đã trở thành ông chủ thực sự, DN nội chỉ là người làm thuê với những công việc đơn giản như bốc xếp, kiểm đếm, khá hơn thì làm đại lý, nhà thầu phụ...
Hệ quả đó bắt nguồn từ việc DN logistics nội phát triển “như nấm sau mưa”, mạnh ai nấy làm, cộng thêm vốn ít, năng lực hạn chế... dẫn đến tình trạng thừa “lượng”, thiếu “chất”. Vốn của DN nội chỉ khoảng 6-7 tỷ đồng, rất ít ỏi, thậm chí không xây nổi cái kho, làm bãi đậu xe, chứ chưa nói đến việc phát triển mạng lưới, đầu tư tàu biển trọng tải lớn. Đơn cử, xây một cái nhà kho cũng xấp xỉ 1 triệu USD (khoảng 21 tỷ đồng), DN nội vốn mỏng không làm nổi.
Bên cạnh đó, những các yếu tố khách quan cũng ảnh hưởng không nhỏ: Thủ tục hải quan nhiêu khê, phí bôi trơn… khiến thời gian giao hàng rất lâu, chi phí cao.
Để DN logistics Việt Nam có viễn cảnh tươi sáng hơn, cần có sự “bắt tay” giữa các DN trong nước, thậm chí DN nội liên kết với DN ngoại cũng là giải pháp không tồi. Dịch vụ chất lượng tốt, giá cả hợp lý, thời gian giao hàng nhanh... là những điều kiện bắt buộc để tăng sức cạnh tranh của loại hình dịch vụ này. Làm được điều đó, không có lý do gì khiến DN xuất nhập khẩu quay lưng lại với DN logistics nội.
Theo Báo Công Thương