Bạn đang ở đây

Hồi kết 14 vòng đàm phán “cân não”

05/08/2015 16:05:11

Đàm phán với nỗ lực cao nhất

Được đề cập từ tháng 3/2010 khi Cao ủy thương mại EU Cecilia Malmstrom nêu ý tưởng với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, chỉ 2 năm sau, đến tháng 6/2012, quá trình đàm phán EVFTA mới chính thức bắt đầu sau tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và bà Cecilia Malmstrom.

Trải qua 14 vòng đàm phán chính thức và nhiều phiên giữa kỳ, hai bên đã thống nhất được các vấn đề của hiệp định. Đặc biệt, tại phiên thứ 13, đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh- Trưởng Đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế- dẫn đầu đã cùng với EU thảo luận chi tiết định hướng xử lý những vấn đề then chốt nhất trong gói cam kết cuối cùng của EVFTA, đặc biệt là cam kết về mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, mua sắm của Chính phủ và các vấn đề liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Hai bên đã nỗ lực ở mức cao nhất nhằm đạt được một gói cam kết phù hợp với kỳ vọng và năng lực của mỗi bên.

Dù EVFTA có nhiều nội dung rộng lớn và phức tạp, song hai bên đã nỗ lực ở mức cao nhất để kết thúc đàm phán chỉ trong vòng hơn 2 năm. Quá trình đàm phán “cân não” là cả câu chuyện dài của các thành viên trong đoàn. Như chia sẻ của ông Trương Đình Tuyển- cố vấn cao cấp của Đoàn đàm phán- phía EU đòi hỏi khá cao về mở cửa thị trường, đặc biệt thị trường dịch vụ, mua sắm chính phủ. Trong khi quyền lợi của Việt Nam ở EVFTA chủ yếu nằm ở thương mại hàng hóa. Do đó, phía Việt Nam phải bảo đảm cân bằng tổng thể giữa quyền lợi của Việt Nam với quyền lợi của EU, có tính đến điều kiện phát triển thấp của Việt Nam.

Hướng tới một hiệp định toàn diện

EVFTA là một hiệp định toàn diện về hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và mua sắm chính phủ. Ngoài loại bỏ thuế quan, EVFTA sẽ giải quyết được nhiều vấn đề khác liên quan đến thương mại như: Pháp lý, cạnh tranh, sở hữu trí tuệ...

Theo Báo cáo nghiên cứu sơ bộ đánh giá tác động của EVFTA đối với Việt Nam, lợi ích lớn nhất mà Việt Nam thu được từ EVFTA bao gồm: Tăng trưởng đầu tư của EU vào ngành công nghiệp dịch vụ; tăng cường xuất khẩu sang EU; cơ hội nâng cao trình độ kỹ thuật thông qua nhập khẩu hàng hóa chiến lược với mức giá thấp hơn.

Theo TS.Nguyễn Thị Thu Trang- Giám đốc Trung tâm WTO (VCCI), EVFTA là công cụ khai thông con đường xuất khẩu cho hàng Việt khi các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam (giá nhân công, tài nguyên...) đã bão hòa. Mặt khác, thuế suất trung bình cho hàng Việt vào EU hiện còn cao (khoảng 7%). Bởi vậy, khi có hiệu lực, EVFTA sẽ giúp các DN Việt Nam gia tăng xuất khẩu nhờ được hưởng thuế suất 0% cho khoảng 90% số dòng thuế theo lộ trình 10 năm.

Tuy nhiên, việc giảm thuế nhiều mặt hàng xuất xứ từ EU cùng cam kết mở cửa hơn nữa thị trường dịch vụ, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải chịu sức ép cạnh tranh lớn với hàng nhập khẩu cũng như với các DN FDI của EU.

Dự đoán trước bối cảnh đó, TS.Claudio Dordi- Trưởng nhóm chuyên gia tư vấn của Dự án EU-MUTRAP- cho rằng, bên cạnh việc tận dụng lợi thế về giảm thuế, các DN Việt Nam cần cải thiện các kênh phân phối, xây dựng thương hiệu; chú trọng đến sản xuất thân thiện với môi trường nhằm tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu.

Bà Cecilia Malmstrom - Cao ủy thương mại EU:

Một hình mẫu mới

Hiệp định đã tạo ra một hình mẫu mới, tốt hơn và hiện đại hơn đối với FTA giữa EU và các nước đang phát triển, đồng thời sẽ thiết lập một tiêu chuẩn tốt trong thương mại giữa EU và khu vực Đông Nam Á nói chung. Khi hiệp định được thực thi sẽ mang lại những cơ hội mới quan trọng cho doanh nghiệp của hai phía thông qua việc tăng cường khả năng tiếp cận thị trường đối với hàng hóa và dịch vụ. Có khoảng 31 triệu việc làm ở châu Âu phụ thuộc vào xuất khẩu, do đó, việc có được sự tiếp cận thuận lợi hơn với một thị trường nổi và phát triển nhanh như Việt Nam, một nước có tới 90 triệu người tiêu dùng là một tin tức hết sức tốt lành.

Ông Franz Jessen - Đại sứ, Trưởng đại diện Phái đoàn EU tại Việt Nam:

65% hàng hóa của Việt Nam được giảm thuế ngay lập tức

EVFTA là dấu mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và EU. Ngay từ ngày đầu tiên khi hiệp định được ký kết, một tỷ trọng lớn khoảng 65% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU sẽ được miễn giảm thuế ngay lập tức. Sắp tới, hai bên phải giải quyết nhiều yếu tố kỹ thuật còn tồn đọng, thông qua thương lượng và thỏa thuận. Tôi hy vọng rằng, quá trình hoàn thiện các thủ tục để đi đến ký kết hiệp định sẽ được thực hiện nhanh và toàn diện. Dự kiến hai bên sẽ chính thức ký kết hiệp định vào mùa thu năm nay. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, hiệp định này không chỉ tạo bước ngoặt trong quan hệ song phương với Việt Nam mà còn là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ kinh tế giữa EU và khu vực ASEAN.

Ông Claudio Dordi - Tư vấn trưởng EU- MUTRAP:

Sẽ có nhiều nhà đầu tư EU đến Việt Nam

Việc kết thúc đàm phán FTA giữa Việt Nam- EU là một tín hiệu tốt lành trong quan hệ hợp tác song phương. Đối với Việt Nam, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường rộng lớn này, các mặt hàng dệt may, da giày, thủy sản sẽ là những những mặt hàng có thế mạnh để tăng cường xuất khẩu. Bên cạnh đó, thị trường Việt Nam sẽ trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư EU, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao như máy móc, thiết bị, công nghiệp điện tử... Một mặt, khi FTA được ký kết và có hiệu lực, các nhà đầu tư EU sẽ có nhiều chế độ bảo hộ tốt hơn. Mặt khác, Việt Nam đang là một trong những thị trường phát triển rất sôi động, các nhà đầu tư sẽ coi đây là lựa chọn hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á, là cầu nối hiệu quả để mở rộng hoạt động kinh doanh với các nước trong khu vực.

Ông Michele D'Ercole - Chủ tịch Phòng thương mại Italia (Icham) tại Việt Nam:

Thương mại Việt Nam - Italia sẽ tăng mạnh

Thực tế cho thấy, Việt Nam hiện đang xuất siêu sang thị trường EU nói chung và Italia nói riêng. Italia sẽ có nhiều cơ hội đẩy mạnh hàng hóa thế mạnh sang Việt Nam. Năm ngoái, trao đổi thương mại giữa hai nước đã đạt 4 tỷ USD, và dự kiến sẽ đạt 5 tỷ USD trong năm 2015. Với việc ký kết FTA Việt Nam- EU, trong thời gian tới, trao đổi thương mại giữa hai nước Việt Nam- Italia sẽ tăng trưởng nhanh hơn nữa, dự kiến sẽ tăng lên gấp 5 lần so với hiện tại.

Về đầu tư, chắc chắn FTA sẽ là động lực lớn để thu hút đầu tư từ Italia vào Việt Nam. Thời gian gần đây, các doanh nghiệp Italia đã chú trọng đến thị trường Việt Nam, quan tâm hơn đến các lĩnh vực thời trang, may mặc, da giày, công nghệ xanh, nông nghiệp, giáo dục đào tạo...

Theo Báo Công Thương