Để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, huyện đã chú trọng đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất công nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các ngành công nghiệp mũi nhọn như: khai thác chế biến đá vôi trắng, chế biến gỗ rừng trồng, tranh đá quý, chế tác đá mỹ nghệ. Song song với đó là chính sách đào tạo nguồn nhân lực để tiếp cận với công nghệ tiên tiến, hiện đại cung cấp lao động chất lượng cho các cụm công nghiệp.
Bằng các giải pháp tổng hợp, sản xuất công nghiệp của Lục Yên đã có bước tăng trưởng nhảy vọt. Giá trị sản xuất tăng từ 307,3 tỷ đồng năm 2011 lên 915 tỷ đồng năm 2014, đưa tỷ trọng công nghiệp trong nền kinh tế lên 46%. Tốc độ tăng trưởng bình quân cả giai đoạn 2011 - 2015 đạt 31,3%, trong đó công nghiệp ngoài quốc doanh 15,3%, công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 54,5%. Đến nay, huyện đã có 18 nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp hoạt động có hiệu quả, trong đó có 2 doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Các ngành nghề thế mạnh của địa phương như: Sản xuất tranh đá quý, tượng đá, đá cảnh, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác, chế biến gỗ rừng trồng... cũng được quan tâm phát triển.
Riêng với ngành công nghiệp khai thác chế biến đá vôi trắng, hiện nay, trên địa bàn huyện có 2 công ty đã và đang tiến hành các hoạt động thăm dò, khai thác chế biến khoáng sản và hàng chục doanh nghiệp nhỏ hoạt động khai thác vật liệu xây dựng. Để khai thác một cách hiệu quả tiềm năng khoáng sản, nhất là các loại đá trắng, huyện đã khuyến khích, tạo điều kiện môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng nhất cho các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư xây dựng nhà máy khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn; tập trung chỉ đạo chủ yếu đầu tư vào hoạt động chế biến sâu các sản phẩm từ đá hoa trắng, bảo đảm tận thu tài nguyên khoáng sản, hạn chế tối đa thất thoát tài nguyên và xuất khẩu các sản phẩm thô, đặc biệt là trong phát triển công nghiệp luôn chú trọng đến bảo vệ môi trường sinh thái.
Ngoài ra, huyện còn quy hoạch và xây dựng 3 cụm công nghiệp gồm: Cụm công nghiệp thị trấn Yên Thế, xã Tân Lĩnh và xã Vĩnh Lạc. Trong đó, Cụm công nghiệp thị trấn Yên Thế có tổng diện tích 50ha là nơi các doanh nghiệp khai thác và chế tác các sản phẩm từ đá trắng, đã hoàn thành và đi vào hoạt động tạo ra bước phát triển mạnh mẽ cho ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) của huyện.
Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Yên Thế bao gồm nhiều hạng mục như san tạo mặt bằng, giao thông, cấp thoát nước và hệ thống điện... đang thu hút được 6 doanh nghiệp đăng ký, trong đó có 3 doanh nghiệp đã xây dựng nhà máy là: Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Thành Phát, diện tích đất đã tiếp nhận trong cụm là 2,26ha, hiện đã xây dựng một phần nhà máy chế biến đá xẻ với tổng vốn đầu tư cho sản xuất của doanh nghiệp đạt 21,5 tỷ đồng; Công ty TNHH Đá cẩm thạch RK Việt Nam đã tiếp nhận 7ha với số vốn đầu tư 70 tỷ đồng, chủ yếu là chế biến đá xẻ; Công ty cổ phần Khoáng sản Yên Bái VPG đã tiếp nhận mặt bằng 2ha, doanh nghiệp này liên doanh với Công ty cổ phần Khoáng sản Thanh Sơn xây dựng nhà máy chế biến đá xẻ với tổng mức đã đầu tư là 15 tỷ đồng.
Xác định CN-TTCN là ngành kinh tế mũi nhọn, là khâu đột phá góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện, song song với việc tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, thời gian tới, Lục Yên tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư; chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo vệ môi trường trong ngành khai thác khoáng sản; tích cực hỗ trợ các cơ sở sản xuất TTCN thông qua các chương trình khuyến công; tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư đầu tư và quản lý hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản nhằm quản lý tốt tài nguyên và nâng cao giá trị sản phẩm, huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất.
Huyện cũng sẽ đầu tư có trọng tâm, trọng điểm theo đúng quy hoạch, kế hoạch đề ra; chú trọng thu hút các doanh nghiệp có đủ năng lực, uy tín đến đầu tư tại huyện để đẩy nhanh các dự án, tăng số lượng và quy mô doanh nghiệp; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao trình độ, tiếp cận với công nghệ tiên tiến, hiện đại phục vụ cho ngành CN-TTCN trong thời gian tới.
Theo YBĐT