Bài nói chuyện của tiến sĩ Lê Đăng Doanh đã đề cập tới nhiều vấn đề của kinh tế Việt Nam trước ngưỡng cửa hội nhập kinh tế quốc tế. Trong đó, ông trích dẫn Nghị quyết 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế theo quan điểm: Củng cố môi trường hòa bình, tranh thủ tối đa các điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước nhanh và bền vững, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc. Nghị quyết cũng nêu rõ: Hội nhập là quá trình vừa hợp tác vừa đấu tranh, kiên định lợi ích quốc gia, dân tộc, chủ động dự báo, xử lý linh hoạt mọi tình huống, không để rơi vào tình huống bị động, đối đầu.
Theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, trong thời gian tới các doanh nghiệp của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ với các hiệp định Hiệp định thương mại tự do (FTA) đang được đàm phán: FTAEU-Việt Nam có thể kết thúc đàm phán trong tháng 6/2015 với nhiều cơ hội và thách thức. 90% hàng hóa xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) sẽ hưởng thuế xuất 0%, xuất khẩu sang EU sẽ tăng 30 – 40%, nhập khẩu tăng 20-25%, hưởng lợi nhiều nhất là hàng nông sản, thủy sản, dệt may, giầy dép; Hiệp định FTA Việt Nam – Hàn Quốc đã được ký kết ngày 5/5/2015 tại Hà Nội. Hai nền kinh tế sẽ bổ sung cho nhau, thương mại hai chiều đạt 30 tỷ USD năm 2014, dự kiến sẽ đạt 70 tỷ USD vào năm 2020, đây là cơ hội cho ngành dệt may, da dày, đồ gỗ, nông sản… Cùng với nhiều hiệp đình FTA khác đang đàm phán nếu kết thúc Việt Nam sẽ có FTA với 55 nền kinh tế.
Trong hội nhập kinh tế quốc tế, nói về cơ hội của doanh nghiệp, tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết, cơ hội không tự đến, doanh nghiệp phải nhận biết và nắm bắt, nỗ lực thực hiện: mở rộng thị trường xuất khẩu với thuế xuất thấp, nhập khẩu thuận lợi; đa dạng hóa thị trường không phụ thuộc vào một đối tác; liên kết, tạo mỗi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng hơn; tái cơ cấu doanh nghiệp, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Cùng với đó các thách thức sẽ xuất hiện ngay khi các cam kết có hiệu lực: Quy tắc xuất xứ từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đối với dệt may và các sản phẩm khác cao hơn hiện nay có thể vô hiệu hóa ưu đãi về thuế quan; tiêu chuẩn về lao động, bảo vệ môi trường cao cùng với các rào cản kỹ thuật như nhãn, mác, bao bì đóng gói, dư lượng tối đa hóa chất, tính hợp pháp của các nguyên liệu sử dụng; dịch vụ thay vì “cho chọn” như trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), TPP sẽ áp dụng nguyên tắc “chọn bỏ” tức là trừ bỏ một số lĩnh vực nhất định còn lại mở cửa có điều kiện.
Thách thức đối với ngày nông nghiệp cũng không hề nhỏ, theo ông Lê Dăng Doanh, các tỉnh cần tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đào tạo nông dân theo tín hiệu và kỷ luật thị trường. Các địa phương cần đẩy mạnh dồn điển đổi thửa, chuyển sang canh tác trên quy mô lớn, liên kết doanh nghiệp nông nghiệp-ngân hàng-thu mua-xuất khẩu; chọn sản phẩm có thị trường, coi trọng chất lượng hơn số lượng, bán được ít còn hơn nhiều mà đổ đi; thực hiện các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, kỷ luật thị trường rất khắc nghiệt nhưng cũng rất ủng hộ nông dân…
Trước cơ hội và thách thức đó thì doanh nghiệp phải làm gì để cạnh tranh? Hiện nay Việt Nam có đến 96% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, 2% là trung bình và 2% lớn, năng lực hạn chế; chỉ có 36% doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Các doanh nghiệp phải thay đổi tư duy kinh doanh, không chỉ đầu tư vào “quan hệ”, ăn chênh lệch giá mà phải có chiến lược lâu dài. Doanh nghiệp cần liên kết thành chuỗi, biết người, biết mình, hợp tác trên cơ sở hai bên cùng thắng; đầu tư vào nguồn nhân lực, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về nhãn, mác, vệ sinh an toàn thực phẩm, vận dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử, thực hiện các thủ tục thuế, hải quan qua mạng…
Theo YBĐT