Bạn đang ở đây

An Bình: Những bước tiến mới

16/06/2015 08:05:41

Được biết, thôn Cầu Cao có 93 hộ dân thì toàn bộ đều dựa vào 150 ha sắn là chủ yếu. Sắn được đưa về đây đã ngót nghét 12 năm, mang về cho người dân hàng tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, việc canh tác của người dân còn mang tính tự phát, thiếu đầu tư, chăm sóc. Vì vậy, hàng năm xã đều trích phần trăm tiền hỗ trợ của nhà máy sắn để mua cây giống, hạt cốt khí gieo thành đường băng giữ mầu, bảo vệ sắn.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Thời gian qua việc tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp canh tác sắn bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Đảng bộ, chính quyền xã coi trọng. Chính vì thế, trong 5 năm qua, An Bình đã thực hiện canh tác bền vững 519 ha sắn trên tổng số 550 ha, đạt 100% so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2010 - 2015 đề ra.

Bên cạnh đó, trong sản xuất nông nghiệp, An Bình đã thực hiện rất tốt việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Ngoài tăng cường thâm canh, tăng vụ trên diện tích 68 ha lúa 2 vụ bằng các giống có năng suất, chất lượng cao thì An Bình còn đẩy mạnh trồng ngô đông, rau màu để nâng cao thu nhập.

Ông Nguyễn Trọng Tuynh - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Từ 10/6, toàn bộ 68 ha lúa đông xuân đã được bà con thu hoạch xong, năng suất ước đạt 5,35 tấn/ha. Đến thời điểm này, mọi công tác làm đất, gieo mạ chuẩn bị cho vụ mùa đang được triển khai cho kịp lịch thời vụ”. Theo đánh giá của Ban Chấp hành Đảng bộ xã, trong nhiệm kỳ qua lĩnh vực chăn nuôi có sự chuyển hướng rõ nét theo hướng sản xuất hàng hóa. Đến nay, toàn xã có 11 trang trại chăn nuôi theo hình thức công nghiệp, bán công nghiệp; 2 mô hình chăn nuôi trâu quy mô 10 con/hộ theo phương thức nuôi nhốt tại chuồng; 19 mô hình nuôi 3 trâu...

Từ những mô hình này, nhiều gia đình đã có kinh tế khá giả, thu về mỗi năn hàng trăm triệu đồng. Tiêu biểu như: hộ ông Lê Cao Vy - thôn  Khe Trang, Triệu Văn Cầu, Triệu Văn Khé - thôn Khe Rồng… Ngoài ra, trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ đã phát triển khá mạnh nhờ hệ thống đường giao thông ngày càng hoàn thiện góp phần đưa An Bình dần trở thành trung tâm mua bán và trung chuyển cho các xã vùng thượng huyện. Đến nay, toàn xã có 112 hộ kinh doanh tổng hợp, 16 xe ô tô kinh doanh dịch vụ vận tải…

Với những đột phá, điểm nhấn trong phát triển kinh tế, đời sống của nhân dân xã An Bình đã được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người đạt 21,5 triệu đồng/năm, tăng 9 triệu đồng so với năm 2010; tổng sản lượng lương thực 5 năm đạt trên 9.600 tấn, bình quân lương thực đầu người đạt 489 kg/người/năm. Từ những chuyển biến về kinh tế, An Bình có điều kiện nâng cao chất lượng đời sống nhân dân trên các mặt văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng…

Đặc biệt, đến nay xã đã hoàn thành được 10/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Đó là kết quả Đảng bộ xã đã tập trung lãnh đạo nhân dân tích cực lao động sản xuất thông qua các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế, từ đó tạo động lực để nhân dân các dân tộc trong xã đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa kinh tế phát triển mạnh.

Phát huy thành tựu đã đạt được, An Bình phấn đấu đến năm 2020 thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/năm, bình quân lương thực đầu người đạt 480 kg/người/năm; đạt 17/19 tiêu chí nông thôn mới… Tuy nhiên, để hoàn thành được các chỉ tiêu trên, đòi hỏi An Bình phải nỗ lực hơn nữa trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng hàng hóa; xây dựng các vùng chuyên canh hiệu quả cũng như nhân rộng các mô hình kinh tế trang trại cho hiệu quả kinh tế cao.

Theo YBĐT