Doanh nghiệp nhỏ và vừa thụ động trong hội nhập
Bà Sherry Boger- Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, năm 2015, năng lực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) tại Việt Nam nhìn chung còn yếu để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng cho các nhà máy FDI. Chỉ 36% trên tổng số doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất theo định hướng xuất khẩu, so với gần 60% ở Malaysia và Thái Lan. Chỉ có 21% các SMEs Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, và sự đóng góp của SMEs trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước khác. Việc cải thiện cơ sở hạ tầng cả về phần cứng và phần mềm có thể giúp tăng tỷ lệ này lên đáng kể.
Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Trần Anh Vương- Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội chia sẻ, phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn hầu như chưa được chuẩn bị hành trang cho cuộc hội nhập này, họ vẫn thụ động điều chỉnh mình nhiều hơn là chủ động hội nhập, lo lắng cho những công cụ bảo vệ thị trường nội địa trước hàng nhập khẩu. Đồng thời, với việc vấp phải những rào cản phòng vệ từ ngay những thị trường rất gần gũi trong khối sẽ khiến cho việc thị trường mặc dù được mở ra nhưng khó tiếp cận, sẽ phản tác dụng và thậm chí còn bị thu hẹp lại khi phải chia sẻ tuyệt đối thị trường trong nước. Các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đang cảm nhận những thách thức lớn hơn bao giờ hết khi mà 2015 được xác định là năm hội nhập với rất nhiều các hiệp định song phương và đa phương được ký kết và có hiệu lực như Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hay Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). “Chúng tôi mong muốn Chính phủ lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng nhằm tạo những điều kiện tốt nhất để hỗ trợ nhóm này phát triển và trở thành điểm tựa bền vững cho phát triển kinh tế của đất nước” ông Vương nhấn mạnh.
Kiến nghị từ phía doanh nghiệp
Ông Tomaso Andreatta - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, các thành viên EuroCham nhìn nhận lạc quan về môi trường kinh doanh tại Việt Nam, đồng thời ghi nhận những nỗ lực gần đây của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và tăng khả năng cạnh tranh của Việt Nam, ví dụ như thông qua việc ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP/2015 ngày 12 tháng 3 năm 2015. Tuy nhiên, hiện vẫn còn tồn đọng một số quan ngại từ các nhà đầu tư châu Âu. Theo ông Andreatta, để thu hút đầu tư tư nhân, rất cần một khuôn khổ pháp lý rõ ràng để thực hiện mô hình PPP. “Chúng tôi khuyến khích Chính phủ Việt Nam chỉ đạo rõ ràng trong việc xác định các dự án PPP tiềm năng, đánh giá các dự án và tổ chức đấu thầu công khai và cạnh tranh. Hơn nữa, chúng tôi kêu gọi Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến các dự án PPP để thực hiện thành công những dự án PPP đầu tiên tại Việt Nam trong thời gian tới”, ông Andreatta nói.
Đại diện cho Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham), ông Ryu Hang Ha, Chủ tịch của KoCham đã nêu những khó khăn vướng mắc mà các doanh nghiệp Hàn Quốc đang gặp phải, đồng thời đưa ra những kiến nghị với Chính phủ nhiều vấn đề như: Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc gặp khó khăn khi nhập khẩu máy móc thiết bị đã qua sử dụng theo hướng dẫn của Thông tư 20 do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành; Cần rút ngắn quá trình phê duyệt dự án điện tại khu vực miền Nam Việt Nam; Không áp dụng truy thu thuế nhập khẩu với các hàng hóa được nhập khẩu trước khi Thông tư 164/2013/TT-BTC có hiệu lực.
Tạo mọi điều kiện thuận lợi để có môi trường kinh doanh tốt cho DN
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh và đánh giá cao các ý kiến của các nhóm nghiên cứu, Thủ tướng giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp lại các khuyến nghị, kiến nghị tại các lĩnh vực. Vấn đề gì thuộc thẩm quyền của Bộ thì Bộ quyết định, vấn đề gì thuộc thẩm quyền của Thủ tướng thì trình Thủ tướng quyết định, vấn đề gì thuộc về Luật, Pháp lệnh cần sửa đổi, bổ sung thì Chính phủ sẽ cân nhắc xem xét để trình Quốc hội với tinh thần là tạo mọi điều kiện thuận lợi để có môi trường kinh doanh tốt hơn, thuận lợi hơn, nâng cao năng lực canh tranh của doanh nghiệp, của sản phẩm và nền kinh tế Việt Nam. Với tinh thần mục tiêu tạo mọi thuận lợi để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, Chính phủ sẽ triển khai thực hiện đồng bộ nhiệm vụ giải pháp sau: Tiếp tục quản lý điều hành bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát tốt hơn, điều hành tỷ giá lãi suất phù hợp với tín hiệu thị trường, tăng dự trữ ngoại tệ, bảo đảm ít nhất 12 tuần nhập khẩu. Đảm bảo bội chi ngân sách 5 năm tới sẽ thấp hơn 5% theo cách tính như hiện nay và theo hướng thấp dần, theo Luật ngân sách mới sẽ là 3%/năm. Nợ công trong giới hạn an toàn đảm bảo hiệu quả tái cơ cấu đầu tư công...
Bên cạnh đó, sẽ tập trung chỉ đạo tăng cường tháo gỡ mọi khó khăn vướng mắc đồng thời tạo mọi thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có thêm thuận lợi để phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong sản xuất kinh doanh ở cả 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, phấn đấu tăng trưởng GDP 2015 đạt 6,2% và dự báo giai đoạn 2016- 2020 GDP sẽ tăng 6,5% - 7%, trên cơ sở kinh tế vi mô tiếp tục ổn định. Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao năng suất chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh. Tái cơ cấu nền kinh tế phải đạt được mục tiêu nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong đó, tập trung ở tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh tái cơ cấu ngân hàng, các tổ chức định chế tài chính phấn đấu đến năm 2016 không còn ngân hàng yếu kém, đưa nợ xấu đạt 3%, ngân hàng hoạt động công khai minh bạch, hiệu quả.
Đồng thời, tập trung thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược gồm cải cách thể chế trong đó tập trung cải cách thể chế kinh tế thị trường. Huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, nâng cao năng lực hạ tầng giao thông, đảm bảo đủ năng lượng, đủ điện phát triển kinh tế đất nước, huy động mạnh mẽ hơn nữa các nguồn lực vào phát triện hạ tầng Việt Nam theo thông lệ quốc tế….
Theo Báo Công Thương