Đó là nội dung chính được các diễn giả, chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước tập trung thảo luận tại “Hội nghị Cạnh tranh ASEAN lần thứ 5” do Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) phối hợp với Ban thư ký ASEAN tổ chức ngày 4-5/6 tại TPHCM.
Theo ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, để tiến tới thống nhất môi trường cạnh tranh trong khu vực còn gặp rất nhiều thách thức. Cụ thể, mỗi quốc gia thành viên có khả năng kỹ thuật khác nhau, luật cạnh tranh (LCT) khác biệt, đội ngũ của cơ quan cạnh tranh ở nhiều quốc gia còn non trẻ nên việc thực thi, triển khai LCT chưa có sự tương đồng và thống nhất giữa các nhóm nước, các quốc gia trong khu vực.
Bên cạnh đó, ông Iskandas Ismail, Trưởng phòng thực thi Ủy ban Cạnh tranh Malaysia cho rằng, thách thức lớn nhất chính là sự thiếu đồng bộ trong quá trình tiến hành thực thi LCT của các nước trong khối. Cụ thể, hiện nay trong khu vực ASEAN đang tồn tại 5 nhóm nước gồm những nước đã có LCT (Indonesia, Malaysia, Việt Nam, Thái Lan, Singapore); nước đang dự thảo LCT (Philippines); nước có LCT nhưng thực thi kém (Thái Lan); nước có LCT nhưng đang trong quá trình xây dựng cơ quan thực thi (Myanmar) và còn lại là những nước chưa có LCT.
Như vậy, theo ông Iskandas Ismail, cần phải đẩy mạnh hơn nữa quá trình thực thi pháp luật cạnh tranh ở những nước thành viên trong khối ASEAN để tiến tới thực hiện 5 mục tiêu chiến lược được đặt ra là: Thiết lập thể chế cạnh tranh tại tất cả các nước ASEAN; nâng cao năng lực cạnh tranh tại các nước ASEAN; tiến hành hợp tác trong khu vực về cạnh tranh; đẩy mạnh tuyên truyền về cạnh tranh tại ASEAN và tiến đến sự hài hoà trong chính sách cạnh tranh ở khu vực ASEAN.
Đặc biệt, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh Việt Nam cho rằng, trong quá trình tạo lập chính sách cạnh tranh chung giữa các nước trong khu vực, cần phải xác định các ưu tiên để xây dựng chính sách cạnh tranh đảm bảo sự kết nối giữa LCT với các chính sách công khác. Đồng thời, tăng cường nhận thức về lợi ích cạnh tranh đối với hiệu quả kinh tế và lợi ích tiêu dùng. Đặc biệt, phải xây dựng mạng lưới chuyên gia và hệ thống quản lý kiến thức ở cấp độ quốc gia, song phương và khu vực ASEAN.
Khi đó, từ quá trình xây dựng các phương thức để nhằm tạo dựng một ASEAN hiểu biết về cạnh tranh và xây dựng mạng lưới nghiên cứu về cạnh tranh của khu vực ASEAN sẽ từng bước tiến tới thống nhất môi trường cạnh tranh của ASEAN là mục tiêu của các nước thành viên ASEAN hướng đến.
Xây dựng cơ chế hợp tác
Bà Yap Lai Peng, Trưởng phòng Sở hữu trí tuệ, Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Ban Thư ký ASEAN cho rằng, để có được sự thống nhất trong cạnh tranh của khu vực, đòi hỏi sự hợp tác giữa các quốc gia thành viên và phải xây dựng cơ chế hợp tác về cạnh tranh trong khu vực. Tiếp đến, phải xây dựng cộng đồng ASEAN có được nhận thức sâu sắc về vấn đề cạnh tranh, nhằm đạt được môi trường cạnh tranh lành mạnh với sự tham gia của nhiều chủ thể từ các doanh nghiệp đến cơ quan Nhà nước.
Quan trọng hơn cả, để có được sự thống nhất và cơ chế hợp tác, ASEAN sẽ phải đưa ra các phương thức hoặc sáng kiến để các quốc gia dựa vào đó xây dựng chính sách cạnh tranh cho mình sao cho vừa phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội, văn hoá, lịch sử của quốc gia mình, vừa phù hợp, hài hòa với những quy tắc chung của khu vực.
Để hợp tác thực thi cạnh tranh hiệu quả trong khu vực các nước ASEAN, trong thời gian tới khi mà các hợp tác quốc tế trong mọi lĩnh vực đang ngày một tăng cao, cần xây dựng năng lực và đối thoại chính sách hướng tới hội tụ các quy tắc về cạnh tranh. Theo đó, tăng cường giới thiệu và thực thi pháp luật cạnh tranh với tất cả các nước thành viên trong khu vực và tạo dựng một thị trường ASEAN thống nhất cùng một cơ quan cạnh tranh của khu vực ASEAN.
Ông Marcus Bezzi, Trưởng bộ phận thực thi Ủy ban Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng Australia (ACCC) cho rằng, để tạo ra một ASEAN thống nhất về mọi mặt trong đó có sự thống nhất, hài hoà trong thực thi pháp luật cạnh tranh giữa các nước, Chính phủ các nước thành viên của ASEAN cần đưa chính sách cạnh tranh vào như một phần quan trọng của quá trình xây dựng chính sách phát triển kinh tế của đất nước. Theo đó, cần xây dựng LCT có sự kết nối từ dưới lên trên (từ hệ thống các doanh nghiệp lên đến các nhà làm luật, Chính phủ).
Đồng thời, bản thân các nước trong khối ASEAN cần phải nỗ lực thúc đẩy các nhóm nước thành viên có nhiều sự tương đồng để cùng xây dựng luật cạnh tranh, từ đó mới dần dần từng bước đồng hoá về thể chế, luật cạnh tranh trong toàn khu vực ASEAN.
“Con đường để hoà nhập, xây dựng khuôn khổ chính sách pháp luật trong cạnh tranh giữa các nước trong khu vực ASEAN sẽ là một chặng đường phía trước và đó cũng là mục tiêu để hướng tới sự phát triển ổn định, bền vững trong khu vực”, ông Marcus Bezzi khẳng định.
Theo Chinhphu.vn