Thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, tiền thân là một trong ba nông trường lớn ở huyện Văn Chấn, Yên Bái. Những năm qua, nhân dân thị trấn đã mạnh dạn đi đầu trong chuyển dịch cơ cấu giống chè, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất chè, tạo ra những bước đột phá, thay đổi căn bản phương thức sản xuất và đời sống của người làm chè.
Cây chè phá thế độc canh
Theo chân ông Phạm Như Nhường - Tổ trưởng tổ dân phố 5B, băng qua hơn cây số đường bê tông lớn đến trung tâm tổ rồi theo con đường bê tông nhỏ đưa chúng tôi lên sát chân núi Phình Hồ, huyện Trạm Tấu, bản Đồng Hóa hiện ra với những lô chè xanh mướt, vuông vức như những ô bàn cờ. Chúng tôi vào thăm đồi chè của chị Nguyễn Thị Liên, một trong những gia đình đầu tiên lên khai phá mảnh đất này. Những luống chè LDP hơn 5 năm tuổi tua tủa búp non mỡ màng, mập mạp. Chị Liên đang hái đảo chuẩn bị cho lứa cắt mới. Câu chuyện phấn khởi về vụ chè mới, chị kể: “Lô này giờ chỉ còn hơn 6.000m2 mới trồng lại năm 2009 nhưng năm ngoái đã thu gần 20 tấn. Trước đây chục năm, gia đình đã trồng chè trung du, chè PH1 nhưng giá thấp lại chịu hạn kém, thành thử phá dần để trồng lại. Những ngày đó vất vả quá! Chín, mười giờ tối vẫn còn gánh bầu chè lên trồng, nghĩ lại cũng thấy bõ công".
Chục năm trước đây, đất đai ở bản Đồng Hóa vốn chỉ là đồi hoang, toàn sim, mua và cỏ tế, những cây vốn chỉ khiến cho đất bạc màu. Thực hiện chính sách giao đất, giao rừng của Đảng, Nhà nước, hàng chục hộ dân khu 5B và một số khu vực khác đã lên khai hoang, trồng màu, trồng rừng phát triển kinh tế. Cuộc sống chỉ thực sự đổi thay hơn 5 năm trở lại đây khi chính quyền địa phương có chủ trương mở rộng diện tích chè và đẩy mạnh chương trình cải tạo các diện tích chè già cỗi bằng giống chất lượng cao. Lúc đó, tổ dân phố 5B có hơn 120 hộ sống chủ yếu dựa vào 35ha lúa nước và kinh tế đồi rừng. Nhận được chủ trương này, chi bộ, tổ dân phố đã vận động nhân dân tích cực khai hoang, vỡ đất, nhận các diện tích chè già cỗi để trồng mới, trồng cải tạo.
Chủ trương đúng cùng sự mạnh dạn, đi tắt đón đầu trong việc thử nghiệm giống mới, chỉ hơn 5 năm, từ 2010 đến nay, tổ đã trồng mới và nhận khoán trồng cải tạo trên 45ha chủ yếu bằng giống chè LDP2. Ông Phạm Như Nhường chia sẻ: "Việc đẩy mạnh phát triển cây chè không chỉ phá thế độc canh cây lúa mà còn chuyển nguồn thu nhập chủ yếu trước đây từ lúa sang thu nhập chủ yếu là chè. 5 năm trước đây, tỷ lệ hộ nghèo của tổ chiếm trên 20% giờ chỉ còn 14 hộ, chiếm khoảng 8%”.
Lãnh đạo huyện Văn Chấn kiểm tra vùng chè đạt tiêu chuẩn VietGAP tại tổ dân phố 5A, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ.
No ấm nhờ chè
Không có nhiều diện tích để mở rộng như tổ dân phố 5B nhưng 5 năm trở lại đây, phong trào cải tạo chè đã nở rộ ở cả 13/13 tổ dân phố của thị trấn. Vốn có trên 400ha chè trung du được trồng từ những năm 60 của thế kỷ trước, cây chè đã bám trụ và tạo công ăn việc làm cho trên 60% hộ gia đình tại địa phương. Cùng với thời gian, các diện tích chè đã già cỗi không bảo đảm năng suất, chất lượng cũng như giá trị thu nhập cho người làm chè.
Nhận thức được những tiềm năng, thế mạnh và hạn chế trong phát triển cây chè, năm 2010, Đảng bộ thị trấn đã ra Nghị quyết về phát triển và mở rộng vùng nguyên liệu. Kết hợp sự hỗ trợ của Nhà nước cùng kinh nghiệm, sự cần cù, chịu khó của nhân dân, mỗi năm, thị trấn đã cải tạo và trồng mới từ 70 - 100ha. Đến nay, thị trấn có trên 500ha chè kinh doanh, trong đó trên 80% diện tích được trồng bằng các giống chè lai chất lượng cao. Giống tốt đã đưa năng suất chè bình quân của thị trấn đạt trên 13 tấn/ha/năm, tổng sản lượng chè năm 2014 đạt 7.000 tấn, chiếm 16% tổng sản lượng chè búp tươi của toàn huyện. Cây chè đã góp phần đưa mức thu nhập bình quân của nhân dân thị trấn lên 22 triệu đồng/người/năm, giảm hộ nghèo xuống dưới 5,6%.
Chị Phạm Quang Nghĩa ở tổ dân phố 5B chia sẻ: "Trước đây, những khu đồi 250, Yên Ngựa hay Đông Bua là những khu đồi cao, khô hạn. Khi đưa vào trồng giống chè lai LDP2 nhiều người rất e ngại vì cải tạo bằng phương pháp giâm cành, rễ cây yếu, khó trụ qua mùa đông. Sức chống chịu hạn cao, năng suất vượt trội của giống mới đã xóa đi những hoài nghi về khả năng sinh trưởng phát triển. Như gia đình tôi nhận hơn 2ha chè trồng tại khu đồi Đông Bua, mới được gần 5 năm nhưng năng suất trung bình đã đạt gần 20 tấn/ha".
Năng suất và khả năng phát triển khá đồng đều đã mở đường cho việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Nếu như ở đây đó còn bàn cãi về việc sử dụng máy cắt chè thì với nhân dân thị trấn, việc áp dụng cơ giới vào sản xuất là chủ đạo. Nói như vậy không có nghĩa là người dân không biết bảo vệ cây chè. Nguyên tắc hái đảo, cắt cao để chừa lách lá cho cây chè phát triển được tuân thủ nghiêm ngặt. Điều quan trọng là họ biết bón phân, phun thuốc cân đối để cây chè có thể chịu hạn, chống chịu những lần hái, cắt, đốn phớt, đốn đau. Ngoài bón phân chuồng, phân đạm, giờ, nhiều hộ dân còn bơm tưới cả nước biogas để chăm sóc chè.
Bà Nguyễn Thị Mai ở tổ dân phố 5A - một trong những lớp người đã trải qua hai thế hệ chè, phấn khởi cho biết: "Cuộc đời tôi đã nếm trải đủ những vất vả của ngành chè. Từ những ngày đánh gốc, bốc trà, đến nay, tôi thấy chưa bao giờ người làm chè lại sung sướng đến thế. Một năm bốn, năm lần cắt hái, vài lần phun thuốc trừ sâu, bón đạm làm cỏ vậy mà năng suất vẫn gấp đôi gấp ba. Vài năm trước, tôi vẫn phải gánh, gồng 40kg, 50kg chè đi cả cây số về khu trung tâm để bán. Giờ, xe ra tận đồi thu mua, người làm chè không còn phải mưa nắng, dãi dầu như trước nữa".
Hướng đến một vùng chè sạch
Nông dân thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ chăm sóc chè.
Câu chuyện của bà Mai, chị Nghĩa, chị Liên có lẽ chưa nói hết những tâm tư, phấn khởi của người làm chè ở thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ nhưng những đồi chè xanh ngút, bạt ngàn được tô điểm bởi những đường bê tông rộng mở đã nói nên nhiều điều về sự đổi thay trong đời sống người làm chè nơi đây. Từ chỗ sử dụng đôi tay, đôi quang gánh, cuốc bộ ra đồi thu hái chè, giờ đây, họ thảnh thơi ra đồi trên những chếc xe máy, trở về đã có người, có xe lo vận chuyển. Những ngày dãi nắng, dầm mưa đã lùi xa vào ký ức, họ thong dong, nhẹ nhàng, chủ động chọn thời điểm thuận lợi để thu hoạch. Và hơn cả, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, người làm chè ở thị trấn là một trong 6 địa phương của huyện được Dự án Qseap tỉnh Yên Bái đầu tư xây dựng vùng chè sạch theo tiêu chuẩn VietGAP.
Cùng với việc đầu tư về cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông nội đồng, Dự án còn tập huấn, nâng cao năng lực và hướng dẫn các quy trình sản xuất chè sạch. Đây là cơ sở để người dân thị trấn nói riêng và người làm chè ở Văn Chấn nói chung tiếp tục thay đổi tư duy sản suất, tạo ra các sản phẩm chè sạch và có hàm lượng tri thức để nâng cao chất lượng, giá trị, tiến tới xây dựng thương hiệu chè.
Ông Hồ Đức Hợp - Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn đánh giá: “Đối với thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, hiện, có trên 500ha chè, đây là một trong những vùng chè lớn của huyện. Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền thị trấn đã vận dụng linh hoạt chủ trương của huyện vào thực tiễn thông qua các chủ trương, nghị quyết chuyên đề về phát triển vùng nguyên liệu chè. Với trên 80% diện tích được trồng mới, trồng cải tạo bằng giống chè chất lượng cao, thị trấn là đơn vị dẫn đầu trên địa bàn huyện về phát triển vùng chè. Ngoài ra, thị trấn còn tập trung phát triển hạ tầng giao thông nội đồng, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và xây dựng trên 200ha chè đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đây là cơ sở để nâng cao chất lượng nguồn nguyên liệu chè và góp phần quan trọng trong việc thay đổi phương thức, tư duy sản xuất và nâng cao đời sống của người làm chè”.
Gần 60 năm bám trụ và phát triển, cây chè đã thực sự gắn bó, có vị thế ngày càng cao trong lòng mỗi người dân thị trấn. Việc quản lý, quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu đúng hướng đã tạo ra những vùng chuyên canh chè chất lượng cao, trên nhiều địa hình. Phương thức sản xuất mới cùng những tiến bộ khoa học kỹ thuật đang được áp dụng đã mang lại nhiều khởi sắc cho việc sản xuất, kinh doanh chè ở thị trấn nói riêng và huyện Văn Chấn nói chung.
Theo YBĐT