Trong đó có dấu ấn quan trọng của công nghiệp chế tạo tăng cao, sản xuất kinh doanh có dấu hiệu phục hồi, tăng trưởng tốt. Các tổ chức tài chính trong nước và quốc tế đồng loạt đưa ra nhiều dự báo lạc quan về nền kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm cần phải lưu ý, thận trọng như con số 1,8 tỷ USD nhập siêu, bằng 5,1% tổng kim ngạch xuất khẩu trong quý I/2015.
Có cùng quan điểm, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá đang có dấu hiệu của sự tăng trưởng kinh tế đi cùng với quá trình cải cách diễn ra mạnh mẽ, nhất là trong thời gian gần đây.
Việc đẩy mạnh cổ phần hóa có dấu hiệu tích cực khi gắn với trách nhiệm cá nhân, đảm bảo theo giá thị trường, là đột phá quan trọng giải quyết những điểm nghẽn trong cải cách DN nhà nước.
Việc giảm giờ thực hiện thủ tục thuế, hải quan và bảo hiểm xã hội cho DN đang được thực hiện quyết liệt.
Từ những thành công ban đầu, TS Thiên cho rằng cần nghiên cứu sâu hơn bản chất sự phục hồi của nền kinh tế để có nhiều giải pháp tiếp tục tháo gỡ mang tính thực chất, bền vững. Trong đó chú ý đến phân định lại, tránh chồng chéo giữa các khu vực kinh tế, các cơ quan, phân công “đúng người, đúng việc” và tăng cường trách nhiệm cá nhân.
"Làm sao để sự phục hồi năm 2014 và quý đầu của năm 2015 không chỉ là “tăng lực” tạm thời, mà phải thật sự thay đổi cơ cấu, trình độ của nền kinh tế. Nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ phải có sự dịch chuyển cơ cấu thật sự rõ ràng, từ đó xây dựng nền tảng tăng trưởng vững chắc", ông Thiên nói.
TS Thiên cũng đề nghị tăng dư địa điều chỉnh tỷ giá, giải quyết nợ xấu mạnh mẽ hơn, sau khi đã tạm thời “xích” nợ xấu lại như thời gian qua.
Ông Nguyễn Văn Giàu đề nghị các đại biểu tại diễn đàn đánh giá khả năng thực hiện mục tiêu kinh tế-xã hội 2015 và đưa ra mô hình khoa học để tính toán khả năng tăng trưởng.
Đồng thời, diễn đàn cần đánh giá quá trình thực hiện tái cơ cấu kinh tế với 3 trọng tâm: Tái cơ cấu đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính; tái cấu trúc DN nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước. Trong đó, làm rõ mối liên hệ giữa nợ xấu hạch toán, tỷ lệ tái cơ cấu nợ, tỷ lệ nợ xấu tiềm ẩn; giải pháp mở rộng thị trường trong và ngoài nước, tìm ra động lực xuất khẩu và đánh giá cụ thể về nhập siêu.
Theo Chinhphu.vn