Bạn đang ở đây

Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2014

16/04/2015 10:02:36

Báo cáo PCI 2014 công bố kết quả điều tra cảm nhận của gần 10.000 doanh nghiệp dân doanh và 1.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài về chất lượng điều hành môi trường kinh doanh tại 63 tỉnh, thành phố Việt Nam. Ngoài ra, báo cáo PCI năm nay cũng công bố những đánh giá của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài về môi trường kinh doanh Việt Nam, đánh giá của doanh nghiệp Việt Nam về cơ hội và thách thức từ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và những kết quả về thực trạng quan hệ lao động tại các doanh nghiệp.

Đúng 9h00 chương trình bắt đầu.

Tham dự chương trình có TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); ông Ted Osius - Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam; ông Joakim Parker - Giám đốc đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam; ông Hugh Borrowman - Đại sứ Australia tại Việt Nam; ông Haike Manning - Đại sứ NewZealand tại Việt Nam; ông Tommer  Heyvi - Phó Đại sứ Israel tại Việt Nam; ông Yuen Sing Hong - Phó Đại sứ Singapore tại Việt Nam cùng đại diện UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước như: Đà Nẵng, Lào Cai, Điện Biên, Quảng Nam, Bắc Ninh, Bình Dương…
 

TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc Lễ công bố, Tiễn sĩ Vũ Tiến Lộc Chủ tịch VCCI cho biết: Báo cáo PCI 2014 lần này được công bố trong bối cảnh đặc biệt: Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh việc cải cách thế chế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nghị quyết 19 do Chính phủ ban hành 2014 và 2015 đều xác định rõ mục tiêu mà Việt Nam cần đạt được trong cải cách nhiều lĩnh vực điều hành và đặt ra mặc tiêu tham vọng là Việt Nam phải đạt mức bình quân của 4 nước ASEAn tiên tiến nhất. Như vậy, Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ đã chấp nhận cuộc đua tranh cùng các nước với mục tiêu là môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam không thể thua kém hơn.

 

 

Với cấp độ địa phương trong nước cũng vậy, chỉ số PCI tạo ra cuộc đua tranh, thúc đẩy các địa phương thay đổi nhanh hơn, hành động nhiều hơn trong tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp là mục tiêu quan trọng. "Thời gian qua VCCI và USAID đã đi tiên phong trong việc xây dựng thước đo để đánh giá khoa học và khách quan chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố. Đây thực sự là động lực tạo ra sự thay đổi, mang lại sự cải cách từ bên dưới lên. Cải thiện PCI, cải cách chất lượng điều hành cấp địa phương đã được Chính phủ chính thức giao là một nhiệm vụ của chính quyền tỉnh, thành phố cần thực hiện trong giai đoạn tới”. – Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Báo cáo PCI 2014 đã ghi nhận được những thành công ban đầu. Xu hướng cải thiện chất lượng điều hành của các tỉnh, thành phố đã khá tích cực, điểm số trung vị của PCI 2014 đã tăng đáng kể so với những năm trước đó. Phong trào cải cách đã rộng khắp ở nhiều tỉnh, thành phố, các tỉnh nhóm cuối tiếp tục thu hẹp khoảng cách đáng kể so với những tỉnh đứng đầu. Các lĩnh vực như gia nhập thị trường, tính minh bạch, chi phí thời gian, đào tạo lao động, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp… đã có những cải thiện đáng kể.

 

Hơn 500 khách mời tham dự chương trình

 

Trong phần phát biểu chào mừng Lễ công bố, TS Vũ Tiến Lộc đã gửi lời chúc mừng tới các địa phương đứng đầu bảng xếp hạng năm nay, đặc biệt là Đà Nẵng giữ vững được vị trí thứ nhất, cộng đồng doanh nghiệp cũng đánh giá các tỉnh như Đồng Tháp, Lai Cao, TP HCM và Quảng Ninh đã có sự tiến bộ vượt bậc. Các doanh nghiệp cũng ghi nhận nỗ lực cải cách của các tỉnh, thành phố khác trên cả nước như Vĩnh Phúc, Long An, Thái Nguyên, Kiên Giang, Bắc Ninh…

 

 

 

Báo cáo PCI 2014 là kết quả điều tra năm thứ 10 liên tiếp, với sự tham gia của 9.859 doanh nghiệp dân doanh. PCI đại diện cho tiếng nói chung của cộng đồng doanh nghiệp dân doanh về chất lượng điều hành kinh tế của 63 tỉnh, thành phố Việt Nam.

Kết quả điều tra gần 11.500 doanh nghiệp cả trong và ngoài nước năm nay đã cho thấy một dấu hiệu khởi sắc về môi trường kinh doanh. Cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đều lạc quan hơn về triển vọng kinh doanh trong thời gian tới. Tuy nhiên, qua phân tích về năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong bối cảnh so sánh với các quốc gia khác, các nhà đầu tư cho rằng Việt Nam cần cắt giảm chi phí không chính thức, nâng cao hơn nữa chất lượng cơ sở hạ tầng, cải thiện dịch vụ công, rà soát và đơn giản hóa các quy định để trở nên cạnh tranh  hơn. Việt Nam nhờ vậy mới trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là những nhà đầu tư có chất lượng cao.

 

“Với một chương riêng phân tích về đánh giá và cảm nhận của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), tín hiệu tích cực là các doanh nghiệp nói chung đều ủng hộ Việt Nam đàm phán và gia nhập hiệp định này mặc dù còn những quan ngại nhất định về khả năng tiếp cập thông tin, ảnh hưởng tiêu cực có thể có từ một số lĩnh vực cam kết. Tuy nhiên, điều mà tất cả doanh nghiệp Việt Nam kỳ vọng là những cải cách mạnh mẽ trong các lĩnh vực cam kết sẽ được thực hiện”. – Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc nói.

 

Ông Ted Osius - Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam chia sẻ tại Lễ công bố

 

Chia sẻ tại lễ công bố, ông Ted Osius - Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết: Trong thời gian vừa qua mỗi quan hệ giữa VCCI và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ nói riêng và Hoa Kỳ nói chung đã phát triển sâu mạnh và thúc đẩy mối quan hệ song phương ngày càng tốt đẹp. “Trong 10 năm qua PCI đã được thừa nhận rộng rãi đặc biệt là thời điểm này. PCI ngày nay vẫn có tầm quan trọng như nó đã từng có. Hiện nay VCCI và Cơ quan cũng hợp tác với nhau trong việc đánh giá độ hài lòng của các DN xuất nhập khẩu để đem lại sự hài lòng cho DN. Chúng tôi hy vọng công cụ này giúp VN có thể tận dụng các tiềm năng mang lại”.

Đại sức Hoa Kỳ tại Việt Nam khẳng định: “Về phía Hoa kỳ cam kết sẽ thúc ẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và là đối tác đáng tin cậy, giúp đỡ Việt Nam trong các vấn đề hai bên quan tâm”.


Trình bày kết quả chỉ số PCI 2014, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết, PCI đo lường chất lượng thực tế của điều hành kinh tế và những thực tiễn tốt đã có tại các địa phương. Chỉ số PCI gồm 10 chỉ số thành phần, phản ánh các lĩnh vực điều hành kinh tế có tác động đến sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Một địa phương được coi là có chất lượng điều hành tốt khi có: 1) chi phí gia nhập thị trường thấp; 2) tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; 3) môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai; 4) chi phí không chính thức thấp; 5) thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng; 6) môi trường cạnh tranh bình đẳng; 7) lãnh đạo tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp; 8) dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, chất lượng cao; 9) chính sách đào tạo lao động tốt; và 10) thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả.

Chỉ số PCI được xây dựng theo quy trình 3 bước, gồm: (i) Thu thập thông tin từ dữ liệu điều tra và các nguồn dữ liệu công bố khác, (ii) Tính toán 10 chỉ số thành phần và chuẩn hóa trên thang điểm 10, và (iii) Gán trọng số và tính điểm số PCI tổng hợp gồm điểm trung bình của 10 chỉ số thành phần trên thang điểm tối đa 100.

Doanh nghiệp tham gia điều tra PCI được chọn mẫu ngẫu nhiên nhằm đảm bảo tính đại diện của cộng đồng doanh nghiệp tại từng tỉnh, theo các tiêu chí: tuổi doanh nghiệp, loại hình kinh doanh và ngành nghề. Năm nay, PCI được thực hiện tại 9,859 doanh nghiệp dân doanh, trong đó có 1,768 doanh nghiệp mới thành lập nhằm đánh giá chính xác hơn công tác đăng ký doanh nghiệp ở các địa phương.

 

Kết quả điều tra PCI 2014 cho thấy dấu hiệu khởi sắc về môi trường kinh doanh. Tỉ lệ doanh nghiệp trong nước tăng quy mô đầu tư vốn đã tăng trở lại (10,8%) sau hai năm giảm xuống mức thấp nhất. Lần đầu tiên trong vòng 9 năm, quy mô vốn trung bình của doanh nghiệp đã tăng đến mức cao nhất, trung bình là 15,1 tỉ đồng, gấp đôi so với quy mô của năm 2006. Tỷ lệ doanh nghiệp tuyển dụng thêm lao động cũng tăng gần gấp đôi (11,5%) so với mức chạm đáy năm 2012 và 2013.

 

Theo kết quả này, doanh nghiệp lạc quan hơn về triển vọng kinh doanh: Năm 2014, có tới 46,1% doanh nghiệp dự kiến sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong vòng 2 năm tới, tăng mạnh so với mức 32,5% năm ngoái. Tỷ lệ doanh nghiệp có kế hoạch giảm quy mô hoặc đóng cửa, giải thể chỉ chiếm 8,3%. Lần đầu tiên trong 5 năm công bố báo cáo PCI gần đây, niềm tin của doanh nghiệp có dấu hiệu hồi phục.

Năm nay, điểm trung vị của PCI tăng từ 57,81 năm 2013 lên 58,58 điểm. So với các năm trước, khoảng cách điểm số giữa các tỉnh tiếp tục được thu hẹp, phản ánh xu hướng cải cách qua nhiều năm: Các tỉnh “ngôi sao” chững lại và chưa có sự bứt phá, trong khi nhóm cuối tiếp tục thu hẹp sự chênh lệch thông qua các lĩnh vực dễ cải cách như đăng ký doanh nghiệp, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính.

Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng

Đà Nẵng tiếp tục bảo vệ thành công vị trí quán quân của bảng xếp hạng PCI 2014 với số điểm 66,87. Thành công này đến từ việc thực hiện hiệu quả chương trình “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014”, khi chính quyền Thành phố đã có nhiều hoạt động thiết thực tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

 

 

 

10 năm PCI (2005-2015):

- 80.589 lượt doanh nghiệp dân doanh và 7.799 lượt doanh nghiệp FDI tham gia

- Điều tra PCI 63/63 tỉnh, thành có chương trình đánh giá, cải thiện PCI

- 147 văn bản pháp lý các cấp được ban hành về cải thiện PCI

- 255 hội thảo chẩn đoán cấp tỉnh và 12 hội thảo cấp vùng về PCI

 

Sau Đà Nẵng là Đồng Tháp (65,28 điểm) và Lào Cai (64,67 điểm), những gương mặt khá quen thuộc trong nhóm đứng đầu của bảng xếp hạng hàng năm. Cả hai địa phương đều có những sáng kiến cải cách độc đáo. Nếu Đồng Tháp luôn coi doanh nghiệp là bạn đồng hành trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, được nhiều doanh nghiệp đánh giá cao, thì Lào Cai lại có sáng kiến đột phá khi xây dựng Bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện, thành phố để tiếp thu những ý kiến phản hồi của doanh nghiệp về chất lượng điều hành của chính quyền các cấp.

 

Cũng là lần đầu tiên trong 10 năm công bố PCI, trung tâm kinh tế lớn, TP HCM bước vào nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước. Đây cũng là năm thứ hai nhóm này có sự góp mặt của tỉnh Quảng Ninh. Trong nhóm 10 tỉnh thành có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2014 còn có các tỉnh Vĩnh Phúc, Long An, Thái Nguyên, Kiên Giang và Bắc Ninh.

Từng đứng ở nhóm cuối của bảng xếp hạng PCI trong 2 năm trước đây, Tuyên Quang đã trở thành một hiện tượng cho sự thay đổi từ nhóm các tỉnh có chất lượng điều hành thấp nhờ các nỗ lực tăng cường đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền.

Báo cáo cũng cho thấy những thay đổi trong điều hành kinh tế cấp tỉnh theo thời gian. Theo đó, khảo sát PCI năm nay ghi nhận những cải thiện rõ rệt nhất ở lĩnh vực Gia nhập thị trường, tiếp đến là Tính minh bạch, Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, Đào tạo lao động và Chi phí thời gian.

So với kết quả chỉ số PCI năm trước, một tỉnh trung vị cho thấy: Thời gian chờ đợi của doanh nghiệp để chính thức đi vào hoạt động giảm đi; Chất lượng và hiệu quả vận hành của các bộ phận Một cửa tăng lên; Doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào quá trình hoạch định chính sách, vai trò của các hiệp hội địa phương được khẳng định; Mức độ hài lòng về chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và đào tạo lao động tăng lên.

Điều tra PCI 2014 cho thấy những sụt giảm đáng lo ngại ở lĩnh vực Chi phí không chính thức, Tính năng động và Tiếp cận đất đai. Đánh giá cả ba lĩnh vực này, doanh nghiệp tại tỉnh trung vị thể hiện tâm lý bi quan nhất kể từ khi tiến hành điều tra PCI trên tất cả các tỉnh, thành phố.

Về chỉ số cơ sở hạ tầng PCI năm 2014, chỉ số này được hợp thành bởi 4 chỉ số thành phần, đánh giá chất lượng: (1) khu công nghiệp; (2) đường giao thông; (3) các dịch vụ công cộng (viễn thông, năng lượng); và (4) công nghệ thông tin. Kết quả: TP HM, Bình Dương, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu và Đồng Nai là 5 tỉnh, thành phố được các doanh nghiệp dân doanh đánh giá tốt nhất về cơ sở hạ tầng. Đứng cuối bảng về chất lượng cơ sở hạ tầng là các tỉnh Lai Châu, Yên Bái, Bắc Kạn, Trà Vinh và Đắk Nông.

Theo dddn.com.vn