Đó là nội dung chính được các chuyên gia, DN trao đổi tại hội nghị “Thách thức và cơ hội phát triển xuất khẩu sản phẩm mật ong Việt Nam” do Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu - Cục Xúc tiến thương mại (VIETRADE) phối hợp cùng Hội nuôi ong Việt Nam tổ chức ngày 9/4 tại TP.HCM.
Ông Bùi Quang Hưng – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu cho biết, Việt Nam được đánh giá là thị trường xuất khẩu mật ong đầy tiềm năng. Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu mật ong lớn trên thị trường thế giới. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, Việt Nam hiện đứng thứ 6 thế giới và thứ 2 Châu Á (sau Trung Quốc) về xuất khẩu mật ong. Năm 2014, Việt Nam xuất khẩu hơn 46,6 nghìn tấn mật ong, đạt kim ngạch trên 120 triệu USD. Tuy nhiên, hiện nay xuất khẩu mật ong lại quá tập trung vào thị trường Mỹ với 90% trên tổng lượng xuất khẩu, chỉ có 10% còn lại là ở các thị trường khác, trong đó có châu Âu.
Năm 2015, xuất khẩu của ngành ong Việt Nam được dự báo có nhiều triển vọng khả quan khi nhu cầu của thị trường tăng cao. Trong quý I/2015, chỉ tính riêng thị trường châu Âu, các DN Việt Nam đã xuất đuợc trên 80 tấn mật ong. Đây đuợc xem là tín hiệu tích cực đối với việc xâm nhập vào thị truờng này.
Đồng quan điểm, ông Reindert Dekker chuyên gia Tổ chức Hỗ trợ nhập khẩu từ các nước đang phát triển (CBI- Hà Lan) cho hay, hiện nay nhu cầu tiêu dùng mật ong không ngừng tăng lên trong khi nguồn cung ít nên cơ hội cho DN Việt là tương đối lớn. Song để nâng cao sức cạnh tranh, cũng như tạo điều kiện cho mật ong vào thị truờng châu Âu, Các DN cần đẩy mạnh xây dựng, quảng bá thương hiệu và nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng cho sản phẩm. Việc xây dựng một thương hiệu Quốc gia cho sản phẩm là chiến luợc tốt nhất mà các DN cần thực hiện để nâng cao tính cạnh tranh cho ong Việt Nam cũng như tăng giá trị sản phẩm trên thị trường thế giới.
Theo ông Hồ Văn Tịnh - Giám đốc Công ty TNHH Phong Sơn, châu Âu là một thị trường tiềm năng mà công ty đang hướng tới bởi lẽ các yêu cầu về chất lượng của thị trường này DN Việt đều có thể đáp ứng. Công ty đặt ra chiến luợc xuất khẩu vào thị truờng Châu Âu trong năm nay đạt mức 20- 25% thay vì 10% như truớc đó.
Tuy nhu cầu của thị trường là rất lớn nhưng cái khó hiện nay của ngành mật ong Việt Nam là thiếu kiến thức về kĩ thuật nuôi ong, việc quản lý chất lượng sản phẩm, chiến luợc marketting. Đặc biệt là việc Việt Nam chưa có một thuơng hiệu mật ong trên thị trường thế giới nên giá trị sản phẩm thấp so với những nuớc khác - ông Bùi Quang Hưng cho biết.
Do đó, để hỗ trợ ngành ong Việt Nam mở rộng và phát triển các cơ hội thị trường xuất khẩu, đặc biệt là khối thị trường EU giàu tiềm năng, Cục Xúc tiến thương mại đã ký thỏa thuận với CBI (Hà Lan) triển khai Chương trình Hỗ trợ Xuất khẩu Nguyên liệu thực phẩm (trong đó có các sản phẩm mật ong) của Việt Nam sang EU (gọi tắt là Chương trình ECP).
Chuơng trình ECP sẽ hỗ trợ cho các DN Việt Nam thông qua các chương trình đào tạo về xuất khẩu, tiếp cận thị trường và giá trị sự sáng tạo; phát triển các chương trình xây dựng năng lực cho các nhà xuất khẩu Việt Nam về pháp luật và các quy định của EU; nâng cao kiến thức và trách nhiệm trong hoạt động của các tổ chức hỗ trợ kinh doanh địa phương thông qua các kế hoạch tiếp thị xuất khẩu.
Theo Báo Công Thương