Bạn đang ở đây

Ngành Công Thương: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính

06/04/2015 07:31:27

Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) cho biết tại cuộc họp về công tác triển khai kiểm soát TTHC và triển khai Nghị quyết số 19/NĐ-CP do Bộ Công Thương tổ chức, vào sáng 3/4, tại Hà Nội. Cuộc họp diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng. 

6 nhiệm vụ trọng tâm

Để tiếp tục phát huy các kết quả đạt được trong năm 2014, ngay từ đầu năm 2015, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt nhằm đẩy mạnh công tác cải cách TTHC trong năm 2015 qua việc ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016. Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ giao cho 18 Bộ, ngành có liên quan chủ trì triển khai thực hiện 40 nhóm nhiệm vụ có liên quan, trong đó, Bộ Công Thương được giao chủ trì triển khai 6 nhóm nhiệm vụ thực hiện trong 2 năm: 2015-2016.

Đầu tiên là rà soát, đánh giá các quy định pháp luật về quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành (cấp giấy phép xuất, nhập khẩu, kiểm dịch kiểm tra tiêu chuẩn, chất lượng, dịch vụ xuất, nhập khẩu). Sửa đổi, bổ sung danh mục hàng hóa xuất, nhập khẩu thống nhất và quy định về tiêu chuẩn, phương thức kiểm dịch, kiểm tra chất lượng hàng hóa.

Thứ hai: Rà soát, xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 187/2013/NĐ-CP đối với hàng hóa thuộc Danh mục quản lý chuyên ngành của các Bộ, ngành theo hướng đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục.

Thứ ba: Sửa đổi, bổ sung Nghị định 108/2008/NĐ-CP, Nghị định 26/2011/NĐ-CP và Thông tư số 40/2011/TT-BCT về thủ tục khai báo hóa chất theo hướng tăng cường việc khai báo và xác nhận khai báo hóa chất nhập khẩu bằng phương thức điện tử. Sửa đổi danh mục hóa chất phải khai báo, bổ sung các trường hợp miễn trừ khai báo.

Thứ tư: Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O); thực hiện khai báo C/O điện tử và kết nối vào cổng thông tin quốc gia. 

Thứ năm: Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 32/2009/TT-BCT về kiểm tra hàm lượng Formaldehyt trên các sản phẩm dệt may. 

Thứ sáu: Sửa đổi, bổ sung Quyết định số 11039/2014/QĐ-BCT theo hướng bãi bỏ các văn bản trước đó của Bộ Công Thương về danh mục hàng hóa phải kiểm tra chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm; quy định chi tiết tới mặt hàng theo danh mục hàng hóa xuất, nhập khẩu Việt Nam; quy định cụ thể về hình thức quản lý, chỉ định cơ quan, tổ chức giám định, chứng nhận, kiểm định đối với các mặt hàng trong danh mục.

Tích cực cải cách TTHC

Tính đến hết tháng 3/2015, tổng số thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương là 381 thủ tục. Trong đó, các đơn vị quản lý nhiều TTHC nhất là Cục Điều tiết điện lực quản lý 71 thủ tục, Cục Xuất nhập khẩu quản lý 55 thủ tục, Vụ Thị trường trong nước quản lý 50 thủ tục, Vụ Công nghiệp nhẹ quản lý 45 thủ tục, Cục Hóa chất quản lý 42 thủ tục, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp quản lý 27 thủ tục, Cục Quản lý cạnh tranh quản lý 19 thủ tục, Vụ Khoa học và Công nghệ quản lý 19 thủ tục, Cục Xúc tiến Thương mại quản lý 16 thủ tục…

Theo Quyết định số 9802/QĐ-BCT phê duyệt phương án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương, trong năm 2015 sẽ bãi bỏ và đơn giản hóa 87 thủ tục hành chính (bao gồm bãi bỏ 30 và đơn giản hóa 57 thủ tục), tương đương với việc đơn giản hóa 24% tổng số lượng thủ tục hành chính của Bộ.

Trong đó, sẽ tiến hành bãi bỏ 28 thủ tục trong lĩnh vực điện, liên quan chủ yếu đến các quy định về trình tự thủ tục cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, thu hồi và thời hạn của giấy phép hoạt động điện lực, giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện…Đồng thời, bãi bỏ 1 thủ tục trong lĩnh vực năng lượng, liên quan đến cơ chế phát triển các dự án điện gió, bãi bỏ 1 thủ tục trong lĩnh vực xúc tiến thương mại liên quan đến quy định về việc ban hành quy chế xây dựng và thực hiện chương trình thương hiệu quốc gia.

Bên cạnh đó, đơn giản hóa 3 TTHC trong lĩnh vực kinh doanh rượu, 3 thủ tục trong lĩnh vực kinh doanh thuốc lá, 2 thủ tục trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, 1 thủ tục trong lĩnh vực thương mại quốc tế, 5 thủ tục trong lĩnh vực khí dầu mỏ hóa lỏng, 3 thủ tục trong lĩnh vực hóa chất, 38 thủ tục trong lĩnh vực điện lực…

"Bộ Công Thương luôn triển khai nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, và được đánh giá là một trong những Bộ làm khá tích cực công tác cải cách TTHC. Ngành Công Thương coi cải cách TTHC là nhiệm vụ thường xuyên, thường ngày, không phải làm theo chiến dịch, theo đợt", Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh. 

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho biết, trong thời gian tới, đối với tất cả các thủ tục cấp giấy phép hoạt động điện lực, sẽ rút ngắn thời gian cấp phép từ 30 ngày làm việc xuống còn 15 ngày làm việc đối với tất cả các lĩnh vực. Trong đó, rút ngắn thời gian kiểm tra và trả lời tính đầy đủ và hợp lệ của hồ sơ từ 5 ngày làm việc xuống còn 3 ngày làm việc; rút ngắn thời gian kiểm tra, thẩm định chuyên môn từ 20 ngày làm việc xuống 10 ngày làm việc...

Vụ Pháp chế đã phối hợp với Vụ Kế hoạch xây dựng Dự thảo Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ. Dự thảo Kế hoạch hành động phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị thuộc Bộ Công Thương để triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết 19/NĐ-CP, đồng thời đặt ra các nhiệm vụ khác cần thực hiện nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Dự thảo đặt ra mục tiêu, năm 2015, phấn đấu các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh của Việt Nam đạt và vượt mức trung bình của các nước ASEAN-6.

Theo Báo Công Thương